Nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Đức, Rheinmetall, sẽ cung cấp cho Ukraine các máy bay do thám không người lái tối tân trong những tháng tới - đài RT dẫn thông tin từ tờ Bild cho hay.
Hệ thống Luna NG được cho là có phạm vi hoạt động hàng trăm km và các phiên bản trong tương lai của nó dự kiến sẽ có thể mang theo đạn dược.
Tờ Bild cũng đưa tin rằng việc chuyển giao hàng, nhân danh chính phủ Đức, sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Luna NG (Thế hệ mới) là hệ thống UAV mới nhất của Rheinmetall, không chỉ được sử dụng cho mục đích trinh sát mà còn cung cấp băng thông rộng không dây 4G và thiết bị nghe lén hoặc làm gián đoạn liên lạc.
Theo các phương tiện truyền thông, độ cao hoạt động tối đa của máy bay không người lái này là 5km và nó có thể bao phủ hàng trăm km. Hệ thống Luna NG bao gồm một trạm điều khiển mặt đất, máy phóng, một xe tải và một số UAV.
Tờ Bild tuyên bố rằng các phiên bản sau của Luna NG sẽ có thể mang theo đạn dược, mặc dù những chiếc dành cho Ukraine sẽ không có khả năng tấn công.
Tờ báo Đức cho biết thêm, những máy bay không người lái như vậy cũng sẽ được quân đội Đức đưa vào hoạt động sau khi các quan chức xác định những quy tắc tham gia đối với loại vũ khí này.
Phát biểu với tạp chí Der Spiegel vào tháng trước, Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger thông báo rằng một cơ sở sửa chữa xe tăng Leopard 2 và các thiết bị quân sự khác do Đức sản xuất cung cấp cho Kiev sẽ bắt đầu hoạt động sau mùa hè này.
Nhà sản xuất vũ khí Đức lần đầu tiên tiết lộ các kế hoạch trên vào tháng 3, cho biết họ sẵn sàng đầu tư 200 triệu USD vào một cơ sở sản xuất và sửa chữa đặt ngay trên lãnh thổ Ukraine.
Sau đó, một số quan chức Nga, bao gồm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, đã cảnh báo rằng những cơ sở như vậy sẽ là mục tiêu hàng đầu của Moskva nếu Berlin xúc tiến kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Papperger đã khẳng định rằng công ty của ông “sẽ không ngừng giúp đỡ Ukraine". Ông bày tỏ tin tưởng rằng quân đội Kiev có “khả năng hiệu quả để bảo vệ [chính họ] trước những cuộc tấn công vào các mục tiêu nhạy cảm”.
Trước đó, tờ Bild tuyên bố rằng nhà máy sản xuất xe tăng của Rheinmetall ở Ukraine sẽ có khả năng sản xuất tới 400 đơn vị phần cứng hàng năm.
Trong khi đó, tờ Die Welt cũng của Đức đưa tin hồi tháng 6 rằng, nhà thầu quốc phòng có trụ sở tại Dusseldorf này đã nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn 18% vào năm 2022 so với năm trước. Các phương tiện truyền thông tuyên bố rằng Rheinmetall đang có kế hoạch tăng cường sản xuất đáng kể, kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Đức là nước đồng minh quan trọng ủng hộ quân sự cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Đài RT cho biết, hôm 4/8, Chính phủ Đức đã cập nhật danh sách cung cấp quân sự cho Ukraine, với lô hàng mới nhất bao gồm xe tăng rà phá mìn, xe chiến đấu bộ binh, các hệ thống trinh sát và pháo.
Đợt hỗ trợ quân sự mới nhất của Đức dành cho Ukraine bao gồm 2 xe tăng phá mìn Wisent 1 và 11 thiết bị gạt mìn cho xe tăng T-72 thời Liên Xô. Đức cũng cung cấp hai khẩu pháo tự hành Zuzana 2 do Slovakia sản xuất, như một phần của dự án do Đan Mạch và Na Uy đồng tài trợ.
Năm ngoái, Đức đã chi 2 tỷ euro (2,21 tỷ USD) cho chương trình này và năm nay dự kiến sẽ tăng lên thành 5,4 tỷ euro (5,95 tỷ USD).
Danh sách viện trợ quân sự theo kế hoạch của Đức dành cho Ukraine trong năm nay bao gồm tổng cộng 60 chiếc xe chiến đấu bộ binh Marder, 100 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1A5, kèm theo đạn dược cho các thiết bị hạng nặng tương ứng. Berlin cũng sẽ gửi 25.500 quả đạn pháo 155mm và 18.000 vũ khí chống tăng xách tay cho Kiev.
Trước cuộc phản công của Ukraine diễn ra từ đầu tháng 6, Đức đã cung cấp cho quân đội Ukraine 10 xe tăng Leopard 1A5 và 18 xe tăng Leopard 2A6, cũng như 40 xe chiến đấu bộ binh Marder,.