Nhóm nghiên cứu do giáo sư Yi Jianxin tại Đại học Vũ Hán dẫn đầu lập luận rằng chiến đấu cơ tàng hình, như F-22 Raptor của Mỹ, sở hữu lớp sơn phủ và hình dạng đặc biệt để giảm thiểu phản xạ của sóng điện từ, giúp chúng đánh lừa hệ thống radar.
Trong khi đó, trên thực tế, khi một phi cơ bay giữa vệ tinh và ăngten trên mặt đất, nó có thể phân tán sóng điện từ của vệ tinh. Radar mặt đất có thể nhận diện các gợn sóng lăn tăn. Nhóm nghiên cứu cho rằng việc phân tích những gián đoạn nhỏ này có thể giúp xác định vị trí và theo dõi mục tiêu.
Với hàng nghìn vệ tinh Starlink SpaceX phóng cho đến nay, các nghiên cứu Trung Quốc hy vọng có thể tận dụng nhiễu loạn trong tín hiệu vô tuyến tần số cao để theo dõi máy bay tàng hình.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị bay không người lái DJI Phantom 4 Pro thay cho chiến đấu cơ tàng hình trong thí nghiệm.
Nhóm nghiên cứu sử dụng hệ thống radar trên mặt đất và phát hiện ra DJI Phantom 4 Pro nhờ bức xạ phát ra từ vệ tinh Starlink đang bay qua Philippines vào thời điểm đó.
Nhóm nghiên cứu tuyên bố phương pháp của họ không chịu ảnh hưởng bởi hình dạng ba chiều và vật liệu bề mặt của mục tiêu. Điều đó có nghĩa là hệ thống này có thể mang lại những lợi thế đáng kể trong việc phát hiện các mục tiêu nhỏ và tàng hình, tạo lợi thế tiềm năng cho quân đội Trung Quốc.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu chỉ thử nghiệm phương pháp của họ trên thiết bị bay không người lái bay ở độ cao tương đối thấp và vẫn chưa chắc chắn liệu Starlink có thể giúp phát hiện ra các mục tiêu lớn hơn và khó phát hiện hơn như chiến đấu cơ tàng hình hay không.
Trung tâm quản lý phát thanh Trung Quốc đã giám sát thí nghiệm và các phát hiện đã được bình duyệt trước khi công bố.