RS-28 Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ tiếp theo của Nga, có khả năng mang hạt nhân và hệ thống đa đầu đạn (MIRV).
Dẫn lời Vladimir Degtyar – kỹ sư trưởng tại Cục Thiết kế Tên lửa Makeyev, nơi phát triển RS-28, đài Sputnik cho biết hệ thống điều khiển của Sarmat được thiết kế giúp tên lửa này có thể tiếp tục bay theo quỹ đạo trước đó ngay cả khi bị đánh chặn.
“Hệ thống điều khiển đường bay của Sarmat có khả năng điều chỉnh quỹ đạo thông qua GLONASS, giúp đảm bảo độ chính xác của mục tiêu cao, kể cả sau khi bị tên lửa phòng không tác động”, ông Degtyar giải thích.
GLONASS là hệ thống định vị toàn cầu dựa trên vệ tinh GPS, Galileo và BeiDou của Nga.
Với tầm bay 18.000 km, tên lửa Sarmat có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm trên Trái đất.
Khả năng gia tăng đến tốc độ cần thiết trong một khoảng thời gian ngắn mang đến cho tên lửa Sarmat hiệu suất cao trong việc đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Ngoài ra, hệ thống phòng thủ của kẻ địch cũng không thể tính toán chính xác quỹ đạo của đầu đạn tên lửa Sarmat và khó phát hiện ra vì chúng được thiết kế đặc biệt để ẩn mình khi đang bay, cả trong lẫn bên ngoài bầu khí quyển Trái đất.
Kỹ sư Degtyar tin tưởng rằng Sarmat sẽ vô hiệu hóa mọi công nghệ của NATO bằng hiệu suất bay vượt trội và tính năng công nghệ hiện đại được tích hợp trong quá trình chế tạo. Ông cũng chỉ ra đặc điểm vượt trội của Sarmat so với tên lửa tiền nhiệm là R-36M2 Voyevoda.
“Sau khi hoàn thành các cuộc thử nghiệm và được đưa vào sử dụng, Sarmat sẽ thay thế hệ thống tên lửa Voevoda – hệ thống có mặt trong bộ ba hạt nhân trên mặt đất của Nga”, ông Degtyar cho biết. RS-36M2 thuộc biên chế lực lượng hạt nhân chiến lược của Liên Xô và Nga từ cuối những năm 1980.
Theo nhà sản xuất, một khi Sarmat được triển khai, hệ thống này sẽ trở thành một lá chắn đáng tin cậy cho Nga trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay, là nhân tố chính trong năng lực răn đe hạt nhân của nước này và là lý do để nối lại các cuộc đàm phán thực sự về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân toàn cầu.