Tờ Bưu điện Jerusalem ngày 17/4 dẫn thông báo của Cục Tình báo Ukraine (GUR) cho biết, một cơ sở của Nga chịu trách nhiệm sản xuất tên lửa đất đối không (SAM) đã bị đóng cửa do hạn chế nhập khẩu và các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Cơ sở bị ảnh hưởng là Nhà máy Cơ khí Ulyanovsk (JSC UMZ), một nhà máy quân sự của Nga đặt tại tỉnh Ulyanovsk Oblast do Liên Xô mở vào những năm 1960.
Cơ sở này được sử dụng để sản xuất một số mẫu SAM khác nhau, chẳng hạn như 9K37 Buk, được NATO định danh là SA-11 Gadfly, và 2K22 Tunguska, được NATO định danh là SA-19 Grison.
Nhưng hiện tại, theo GUR, nhà máy đã ngừng hoạt động, do tình trạng thiếu các linh kiện điện tử quan trọng.
Hầu hết các linh kiện điện tử của quân đội Nga đều do Đức cung cấp, nhưng việc này đã dừng lại do lệnh trừng phạt.
GUR cho rằng nhà máy đã có những nỗ lực thiết lập một kênh cung cấp mới thông qua các quốc gia khác, nhưng điều này khiến chi phí tăng lên đáng kể và sẽ khiến chúng vượt quá ngân sách.
Tuy nhiên, khi nhà máy đóng cửa, các công nhân có một trong hai lựa chọn: Nghỉ việc không lương hoặc gia nhập quân đội và nhận mức lương hàng tháng 50.000 rúp (khoảng 600 USD).
SAM đóng một vai trò quan trọng trong tác chiến phòng thủ, phóng tên lửa từ mặt đất để đánh chặn các mục tiêu trên không như tên lửa và máy bay, đồng thời đóng vai trò răn đe để bảo vệ không phận và duy trì ưu thế trên không trong một khu vực nhất định.
Nga đã và đang sử dụng nhiều loại hệ thống SAM khác nhau, phổ biến và tiên tiến nhất là S-300 và S-400. Hiện không rõ liệu các hệ thống S-300 và S-400 có được sản xuất tại Công ty UMZ hay không.
Trước đó, GUR đưa tin rằng Nga đang gặp khó khăn trong việc sản xuất thêm xe tăng cho quân đội do các lệnh trừng phạt tài chính và hạn chế nhập khẩu.
Công ty UralVagonZavod của Nga, đặt tại Nizhny Tagil thuộc Sverdlovsk Oblast, là nhà sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực lớn nhất thế giới và chịu trách nhiệm sản xuất T-90, T-72 và xe tăng thế hệ tiếp theo T-14 Armata.
Đầu tháng 4, một số nhà máy đóng tàu của Nga không thể đóng tàu chiến hoặc tiến hành bảo dưỡng tàu do khó khăn về tài chính và thiếu linh kiện nước ngoài.
Đặc biệt, một nhà máy đóng tàu ở Vladivostok được cho là không thể đáp ứng các đơn đặt hàng trị giá 25 tỷ rúp của Chính phủ Nga để đóng hai tàu chở dầu, hai tàu hộ tống tên lửa và bảo dưỡng, sửa chữa các tàu khác.