Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. |
Phát biểu tại hội nghị Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới đây, cựu Cố vấn Ngoại trưởng Mỹ về Kiểm soát vũ khí, ông Frank Rose cho biết: “THAAD là một hệ thống phòng thủ tên lửa giai đoạn không có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Trung Quốc”.
Ông Rose nhấn mạnh, Trung Quốc cũng như Nga, đều có tiềm lực để tiến hành các biện pháp đối phó tinh vi nhằm làm thất bại các vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo trên bộ của Mỹ.
Chính phủ Nga và Trung Quốc đều bày tỏ quan ngại về hoạt động triển khai THAAD, bao gồm cả hệ thống radar hiện đại, đặt tại Hàn Quốc và các nước khác, coi đây là một chiến lược của Mỹ nhằm làm suy yếu các đối thủ.
Ngày 2/5, Trung Quốc đã kêu gọi dừng ngay lập tức hoạt động triển khai THAAD tại Hàn Quốc vài giờ sau khi Washington khẳng định THAAD đã đi vào hoạt động tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh: "Quan điểm của Trung Quốc là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, hối thúc các bên liên quan dừng ngay lập tức việc triển khai này. Chúng tôi sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng tôi".
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của quá trình bay.