Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn báo cáo của RAND cho biết con số trên được đưa ra dựa theo phỏng đoán trước đó của Viện nghiên cứu Hàn-Mỹ trực thuộc trường Đại học Johns Hopkins, Mỹ. Cũng theo báo cáo, Triều Tiên được cho là đang sở hữu khoảng 14.000 khẩu pháo các loại, có tầm bắn vươn tới thủ đô Seoul và khu vực lân cận, 2.500 tới 5.000 tấn vũ khí hóa học. Do đó, Hàn Quốc sẽ bị hạn chế nếu muốn tấn công phủ đầu vào các cơ sở hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên. Tiếp đó, báo cáo tính toán nếu Triều Tiên tấn công, sẽ có khoảng 25 triệu dân thường Hàn Quốc, một triệu người Trung Quốc, 150.000 người Mỹ phải sơ tán, và việc sơ tán cùng lúc một số lượng người lớn như vậy sẽ rất khó khăn.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng cần phải chuẩn bị đối phó với khả năng xảy ra biến cố bất ngờ tại Triều Tiên, xem xét phương án xử lý người tị nạn, đàm phán về quyền kiểm soát quân đội Triều Tiên, giữ ổn định khu vực Triều Tiên như thế nào. Báo cáo nhấn mạnh chỉ cần xảy ra 1 trong 4 vấn đề nêu trên sẽ dẫn tới một loạt vấn đề khác. Để giải quyết nguy cơ này, các nước Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc cần phải tiếp cận vấn đề dưới một góc nhìn mới.
Viện nghiên cứu RAND do không quân Mỹ và hãng sản xuất máy bay Douglas đồng sáng lập vào năm 1948 để nghiên cứu về lĩnh vực an ninh quốc gia.
Trước đó, trong thông điệp đầu Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những yêu cầu hoặc gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, Bình Nhưỡng có thể cân nhắc "hướng đi mới để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích đất nước, cũng như kiến tạo nền hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên".
Theo nhận định của ông Robert Litwak, Phó Chủ tịch Trung tâm quốc tế Woodrow Wilson, tuyên bố trên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như cho thấy Triều Tiên có cả phương án B trong trường hợp các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ thất bại. Theo đó, nếu đàm phát hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sụp đổi, Bình Nhưỡng có thể nhanh chóng gia tăng kho vũ khí hạt nhân hiện thời.