Tên lửa Trường Chinh 5 được phóng từ Văn Xương, Hải Nam (Trung Quốc) ngày 3/11/2016. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Chuyên gia không gian của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc Long Lehao cho biết đến năm 2030, tên lửa Trường Chinh-9 đang được phát triển sẽ ra mắt với khả năng mang theo lượng vật phẩm lên tới 140 tấn lên quỹ đạo tầm thấp, khu vực hoạt động hiện nay của nhiều vệ tinh truyền hình và quan trắc Trái Đất. Tên lửa Trường Chinh-9 sẽ có một tầng lõi đường kính 10 mét và có 4 động cơ phụ trợ, mỗi động cơ đường kính 5 mét. Theo ông Long, tên lửa này có thể được sử dụng cho việc khám phá Mặt Trăng, du hành trong không gian hoặc xây dựng một nhà máy năng lượng Mặt Trời đặt trong không gian.
Hiện tên lửa Ariane 5 của châu Âu chỉ mang được 20 tấn và tên lửa Falcon Heavy của Space X cũng chỉ mang được 64 tấn. Trong khi, Hệ thống Phóng Không gian của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2020 cũng chỉ có tải trọng 130 tấn.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang phát triển các loại tên lửa không gian có thể tái sử dụng, dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm năm 2021. Tầng 1 và động cơ phụ trợ của tên lửa có thể đáp theo phương thẳng đứng xuống bệ đáp và tái sử dụng.
Trung Quốc đang rót hàng tỉ USD vào các chương trình không gian với mục tiêu thành lập một trạm không gian vào năm 2022, và đưa người lên Mặt Trăng trong tương lai gần.