Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời nhà khoa học Zhao Wei, người tham gia vào dự án, thông báo nhóm nghiên cứu có mục tiêu đến năm 2020 vận hành được công trình này để đáp ứng yêu cầu trong chương trình phát triển vũ khí siêu thanh.
Ảnh minh họa về máy bay siêu thanh của Trung Quốc. Nguồn: SCMP |
Ông Zhao Wei, hiện công tác tại Viện hàn lâm Trung Quốc, đánh giá: “Công trình này đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật của công nghệ siêu thanh, chủ yếu trong lĩnh vực quân sự, qua sao chép môi trường khắc nghiệt của các chuyến bay với tốc độ siêu thanh. Do vậy, vấn đề này có thể được phát hiện và xử lý ngay trên mặt đất”. Các cuộc kiểm tra này được kỳ vọng giảm rủi ro khi máy bay siêu thanh khởi động bay thử.
Đường hầm mới này có những diện tích đủ cho mẫu máy bay lớn với sải cánh gần 3 m. Ông Zhao phân tích để tạo ra luồng gió có tốc độ cực đại, các nhà khoa học sẽ kích hoạt những ống chứa hỗn hợp oxygen, hydrogen và khí nitơ tạo ra vụ nổ có thể giải phóng 1 gigawatt năng lượng trong thời gian ngắn. Những sóng xung kích sau đó sẽ bao bọc lấy thiết bị bay và tăng nhiệt độ xung quanh phương tiện này lên mức 7.727 độ C.
Do vậy những máy bay siêu thanh phải được bao bọc bằng vật liệu đặc biệt có hệ thống làm mát hiệu quả để làm giảm nhiệt độ, nếu không chúng sẽ dễ dàng tan chảy trong chuyến bay đường dài trên thực tế.
Đường hầm gió mạnh nhất trên thế giới hiện nằm tại Buffalo, bang New York (Mỹ), có tên LENX-X và đạt được vận tốc lên tới 10 km/giây, gấp 30 lần vận tốc âm thanh.
Máy bay siêu thanh được coi là phương tiện có thể di chuyển ở vận tốc Mach 5 - gấp 5 lần vận tốc âm thanh hoặc hơn như vậy. Quân đội Mỹ đã thử HTV-2, máy bay không người lái Mach 20 vào năm 2011 nhưng chuyến bay siêu thanh này chỉ kéo dài trong vài phút. HTV-2 sau đó rơi xuống Thái Bình Dương.
Hồi tháng 3, Trung Quốc đã tiến hành 7 cuộc bay thử thành công thiết bị bay siêu thanh WU-14, còn có tên là DF-ZF, ở tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10.
Các quốc gia khác bao gồm Nga, Ấn Độ và Australia cũng đã thử nghiệm một vài mẫu máy bay siêu thanh có thể sử dụng để vận chuyển tên lửa bao gồm cả vũ khí hạt nhân.
Giáo sư Wu Dafang tại Đại học Beihang (Bắc Kinh) đánh giá: “Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu một cuộc đua siêu thanh”.