Trong một tuyên bố mới đây, Tư lệnh Hải quân Ukraine Đô đốc Ukraine Aleksey Neizhpapa nhận định Kiev cần các tàu ngầm của phương Tây để tăng cường khả năng quân sự ở Biển Đen. Ông lập luận việc triển khai tàu ngầm có thể cải thiện chiến lược vị trí của Ukraine trên Biển Đen trong cuộc xung đột với Nga.
“Chúng tôi đang suy nghĩ về điều đó, tàu ngầm là cần thiết đối với chúng tôi, chúng nên là một phần của hải quân”, Đô đốc Neizhpapa nói trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Natalya Moseychuk đăng trên kênh YouTube của nữ nhà báo.
Người đứng đầu hải quân Ukraine chỉ ra nước này không cần tàu ngầm cỡ lớn vì chúng vô dụng ở Biển Đen”.
“Chúng ta nên nhìn xa hơn, dàn trải hạm đội khắp Biển Đen và sử dụng toàn bộ khu vực”, người đứng đầu lực lượng bày tỏ hy vọng Ukraine sẽ biến từ một quốc gia ven biển thành một “cường quốc hàng hải”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn, Đô đốc Neizhpapa cho biết nước này sẽ cho ngừng hoạt động tàu tuần dương “Ukraine” mà thay thế vào đó là sớm tiếp nhận tàu hộ tống Ivan Mazepa đang trong quá trình thử nghiệm.
Ông cũng nói thêm chính quyền Kiev hiện có hai tàu dò mìn hiện đang tham gia cuộc tập trận Sea Breeze ngoài khơi Scotland. Năm sau Ukraine sẽ nhận thêm 3 tàu dò mìn, nâng tổng số tàu dò mìn lên 5.
Năm 2014, tàu ngầm Zaporozhye duy nhất của Ukraine đã trở thành một phần của Hải quân Nga. Kể từ đó, tàu Zaporozhye không còn được sử dụng. Tàu ngầm Zaporozhye được Nga cung cấp cho Ukraine vào năm 1997.
Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, các quốc gia phương Tây đã cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Kiev, đồng thời phủ nhận có liên quan trực tiếp đến chiến sự. Tuy nhiên, khi cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba, đã có nhiều ghi nhận về những khoản hỗ trợ giảm dần, cùng với đó là tiến độ cung cấp vũ khí, đạn dược chậm trễ.
Đầu tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với trang Bloomberg, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay vũ khí của Mỹ mất quá nhiều thời gian để đến được nước này, mặc dù Quốc hội đã phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD vào tháng 4.
Về phía NATO, các nhà ngoại giao của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu nói rằng họ đã đồng ý cung cấp ít nhất 43 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine mỗi năm nhưng không nêu rõ viện trợ sẽ tiếp tục trong bao lâu.