Ống phóng tên lửa C-705 trên tàu lớp KCR-40. |
Hơn 900 vũ khí Trung Quốc các loại đã được trưng bày trong buổi triển lãm hàng không tổ chức ở Châu Hải. Buổi triển lãm hàng không tổ chức hai năm một lần này là dịp để Trung Quốc chào hàng tới những khách hàng tiềm năng tại châu Á cũng như châu Phi. Triển lãm kéo dài trong 6 ngày, với sự tham dự của hơn 700 doanh nghiệp đến từ 42 quốc gia và lãnh thổ khác nhau, trong đó có tới 400 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.
Đa dạng chủng loại hàng hóa là thế song Trung Quốc vẫn đang chật vật trên thị trường buôn bán vũ khí do gặp phải những đối thủ nặng ký đến từ Nga và Mỹ - các cường quốc nổi danh lâu đời vì sản xuất ra các loại vũ khí tân tiến, chất lượng cao.
Andrei Chang, người sáng lập Tạp chí quân sự Quốc phòng châu Á Kanwa trả lời phỏng vấn tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, tại triển lãm Quốc phòng và hàng không Châu Phi tổ chức vào tháng 9 vừa qua ở Pretoria (Nam Phi), các doanh nghiệp Trung Quốc tuy đã hạ giá bán chiến đấu cơ L-15 Falcon và JF-17 nhưng vẫn khó tìm được người mua.
Tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy nghiên cứu khoa Nam Á tại Đại học Quốc gia Singapore nhận xét ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc ngày một lớn hơn nhưng chất lượng vũ khí chưa phải là tốt nhất. Ông cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc đã có thể xây dựng thương hiệu trên thị trường toàn cầu. Hiện sở hữu các tính năng vượt trội đóng vai trò quyết định ai sẽ là bá chủ thị trường vũ khí. Điều đó được Mỹ và các cường quốc khác cũng đang tích cực nghiên cứu. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu không có niềm tin chính trị với Trung Quốc, do hiện nước này vẫn chưa được xét vào top quốc gia sản xuất vũ khí”.
Giáo sư Jonathan Holslag – trưởng ban nghiên cứu đất nước Trung Hoa tại Viện Brussel giải thích khó khăn tài chính đã khiến nhiều nước, trong đó có Nam Phi chần chừ và thận trọng hơn trong việc mua vũ khí mới. “Cạnh tranh trong ngành này rất khốc liệt, nhiều nước sẵn sàng đề một mức giá thấp hấp dẫn để thu hút khách hàng”.
Chất lượng của vũ khí là yếu tố đầu tiên để khách hàng chọn lựa khi mua hàng. Vũ khí “made in China” luôn bị các nước “nhăn mặt” mỗi lần nhắc đến do ngày càng có nhiều sự cố tai nạn liên quan.
Một trong 4 chiếc trực thăng tấn công Harbin Z-9 mà Cameroon nhận từ Trung Quốc với khoản ghi nợ 100 triệu USD năm ngoái đã gặp tai nạn ngay sau khi nhận hàng. Hiện nước này đang bàn bạc với Trung Quốc về sự cố lần đó và vẫn chưa có kế hoạch mới mua thêm vũ khí do nghi ngờ chất lượng.
Trong tháng 9 vừa qua, tại buổi tập trận Armada Jaya 2016 dưới sự thị sát của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hai tên lửa hành trình C-705 của Trung Quốc đã bắn trượt mục tiêu sau khi được phóng từ tàu tên lửa tấn công nhanh lớp KCR-40.
Nhà quan sát quân sự Zhou Chenming – làm việc cho Tập đoàn Kỹ thuật và Khoa học Hàng không Trung Quốc - nhận xét: “Không thể nào chắc chắn 100% các quả tên lửa đều đánh trúng mục tiêu. Thông thường các nhà sản xuất ghi khuyến cáo chỉ đạt hiệu quả 90-95%. Khi phóng một quả tên lửa, nhân tố con người đóng vai trò chủ chốt trong suốt quá trình điều khiến, bao gồm phải phán đoán, đặt chế độ dữ liệu ví dụ như lúc nào cần tăng tốc, lúc nào cần rẽ hướng”.
Trong khi đó, chuyên gia hàng hải Li Jie giải thích điều kiện thời tiết và quy trình kích hoạt tên lửa cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả khai hỏa. Ông cho rằng không phải phương tiện quân sự nào đến từ hai nước lớn như Nga và Mỹ thì sẽ đảm bảo mức độ chính xác và an toàn. Ông Li dẫn chứng ít nhất đã có 6 vụ rơi máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30 của Nga tại Ấn Độ chỉ trong 2009-2015.