Tuy nhiên, các mẫu này được lấy tại các điểm bán có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Thông tin trên được Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 12/12.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Thượng, từ tháng 4 đến tháng 8/2017, một nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur đã lấy 150 mẫu thịt lợn, gà, vịt từ các chợ trên địa bàn 5 tỉnh, thành nói trên để khảo sát mức độ nhiễm khuẩn E.coli. Kết quả cho thấy, cả 150 mẫu thịt này đều có số lượng vi khuẩn E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Thịt gia súc nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do khâu giết mổ không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN |
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu các sản phẩm thủy sản tươi sống như sò, chem chép, hàu, nghêu và kết quả có 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm khuẩn E.coli ở mức độ nặng.
Nguyên nhân các mẫu thịt nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do điều kiện vệ sinh kém từ các lò giết mổ gia súc, gia cầm đến các nơi bày bán, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, nguồn nước, dụng cụ và quy trình giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli và các loại vi sinh có hại khác. Điều này hoàn toàn phù hợp khi các mẫu thực phẩm khảo sát được lấy từ các điểm bán không đảm bảo điều kiện an toàn.
Đánh giá về thông tin 100% mẫu thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 150 mẫu thực phẩm lấy tại 5 tỉnh, thành là chưa đủ đại diện để có thể nhận định toàn bộ thực phẩm tươi sống của 5 địa phương này đều nhiễm E.coli và không an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề an toàn thực phẩm và các nhà quản lý cần xem xét lại vấn đề nằm ở khâu nào để lên kế hoạch kiểm soát.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli chủ yếu do khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối chưa an toàn. Do đó, trong thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần chấn chỉnh khâu giết mổ gia súc, gia cầm, lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống; bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, xóa chợ tạm; xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan khuyến cáo, người dân cần mua thực phẩm ở các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và các cơ sở thực phẩm có uy tín; đồng thời, cần luôn thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi nhằm tránh các nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm không an toàn.