Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cho biết, trong số 72 cây cổ thụ vừa được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam công nhận đủ tiêu chuẩn, có 4 cây lâu năm ở huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể là 2 cây Mù u ở đảo Sơn Ca và đảo Sinh Tồn; 1 cây Bàng vuông ở đảo Nam Yết và 1 cây Phong ba ở đảo Song Tử Tây. Những cây này đều trên 30 năm tuổi và có những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, sinh học và cảnh quan môi trường. Ở vùng địa đầu Tổ quốc, Hội đồng cũng xét, chọn được 13 cây trên 500 năm và trên 600 năm tuổi, đủ tiêu chuẩn là Cây Di sản Việt Nam, đó là 4 cây Đa có chu vi thân từ 7m đến 9m, cao trên 30m ở thôn Thiên Hương, thị trấn Đồng Văn; cùng 9 cây Chò chỉ khổng lồ (cao trên 45 m, chu vi thân hơn 6 m) ở thôn Tắn Khâu, xã Phú Nam, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang.
Cây bàng vuông trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN. |
Đặc biệt, lần này Hội đồng Cây Di sản Việt Nam còn lựa chọn được 54 cây cổ thụ đủ tiêu chuẩn, trong tổng số 135 hồ sơ cây ở vùng phụ cận chiến khu D, nay là tiểu khu 379 Mã Đà, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, do Công ty B58 vừa gửi tới. Đáng chú ý là thành phần những Cây Di sản Việt Nam ở đây khá phong phú (gồm 13 loài), trong đó có 2 cây Kơ Nia ở khoảnh 3 và 1 cây Chiêu liêu ở khoảnh 4 có chiều cao hơn 50 m. Ở khoảnh 4 còn có cây Tùng cao 40 m, chu vi gốc 11,7 m.
Hà Nội cũng có thêm 1 cây được công nhận Cây Di sản Việt Nam lần này, đó là cây Đa hơn 200 năm tuổi, trong khuôn viên đình làng Thọ Sơn, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức. Nếu tất cả những cây này đều được Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam thông qua, sẽ đưa danh sách Cây Di sản Việt Nam trên cả nước chạm mốc 700 cây.
Quang Chính (TTXVN)