65 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2019): Sức sống mới trên 'tuyến lửa anh hùng'

Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - nơi dòng sông Bến Hải chia cắt giới tuyến chảy qua, được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ngợi khen là “tuyến lửa anh hùng”.

Bởi Vĩnh Linh vừa là đầu cầu giới tuyến, vừa là tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền Nam. Sau ngày quê hương giải phóng, quân và dân Vĩnh Linh lại cùng nhau xây dựng quê hương giàu mạnh.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cụm Di tích Quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Can trường trong chiến đấu

Cách đây 65 năm, Hiệp định Giơnevơ ký kết ngày 21/7/1954, đã lấy Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải làm giới tuyến quân sự tạm thời trong hai năm để chuẩn bị Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam – Bắc. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam. Đây là mốc lịch sử đánh dấu thời điểm huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị được giải phóng và ngày này được lấy làm ngày truyền thống của địa phương này. Ngày 16/6/1955, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 551/TTg thành lập Đặc khu Vĩnh Linh trực thuộc Trung ương. Khu vực này là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của phong trào cách mạng miền Nam. Nơi đây mãi mãi ghi dấu lịch sử bi hùng suốt những tháng năm đất nước bị chia cắt. 
          
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đế quốc Mỹ đã dựng nên chính quyền tay sai ở miền Nam, ngang nhiên bội ước, rắp tâm xâm lược nước ta, biến miền Nam thành bàn đạp để tấn công miền Bắc. Sông Bến Hải đã trở thành nơi chia cắt hai giới tuyến. Bằng ý chí sắt đá với quyết tâm “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, quân dân hai miền Nam – Bắc đã không quản ngại hy sinh gian khổ, đoàn kết đứng lên kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, người Quảng Trị dù ở bờ Bắc hay bờ Nam sông Bến Hải đều phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ nhưng họ không hề nao núng, một lòng một dạ sắc son thủy chung. Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhân dân Vĩnh Linh đã chiến đấu và cùng các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 pháo đài bay B52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến. Vào lúc cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt nhất, nhân dân Vĩnh Linh đã tổ chức đưa hàng vạn người già, phụ nữ, trẻ em sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, Vĩnh Linh đón nhận hơn 8,5 vạn người dân tại các địa phương ở phía bờ Nam sông Bến Hải ra sơ tán. Quân và dân Vĩnh Linh ngày đêm kiên cường giữ cho lá Quốc kỳ tung bay bên bờ Bắc cầu Hiền Lương.
          
Di tích Quốc gia Đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc nằm trên địa bàn xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh thường xuyên đón hàng trăm du khách trong nước và quốc tế, đến tham quan mỗi ngày. Hệ thống hầm ngầm đặc biệt này được nhân dân Vĩnh Linh thiết kế, xây dựng trong khoảng từ năm 1965 - 1967, gồm 3 địa đạo chính nối thông với nhau thành một hệ thống liên hoàn, với tổng chiều dài trên 1.700m. Địa đạo có ba tầng, trong đó tầng trên cùng sâu 8 - 10m, tầng thứ hai sâu 12 - 15m, tầng thứ ba sâu 23m. Các tầng này và các nhánh được kết nối với nhau qua trục chính dài 780m. Phía bên trong địa đạo được thiết kế thành nhiều khu vực, tạo không gian sinh sống cho người dân và làm kho vũ khí đạn dược, lương thực, cơ quan của Đảng, chính quyền hoạt động. Ông Peter Alants, du khách người Anh tham quan địa đạo và bày tỏ khâm phục: Sau khi đi vào trong lòng địa đạo, tôi đã có câu trả lời cho chính mình rằng, ý chí kiên cường, sự bền bỉ cùng với sáng tạo, là những yếu tố giúp nhân dân Việt Nam đánh thắng được những thế lực hùng mạnh hàng đầu thế giới.
          
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 1/1/1967. Quân và dân Vĩnh Linh cũng vinh dự 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen. Ở Vĩnh Linh, 100% xã, thị trấn đều là đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân; 46 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; 648 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Vĩnh Linh được nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế mến phục ngợi khen là “Tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, “Tuyến lửa anh hùng”, “Vĩnh Linh lũy thép”.
          
Chung tay xây dựng quê hương
          
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, quân và dân Vĩnh Linh lại chung tay xây dựng quê hương. Từ vùng đất bị bom đạn cày xới, Vĩnh Linh đã và đang đổi thay từng ngày.

Chú thích ảnh
 Cầu Hiền Lương cũ và mới bắc qua dòng sông Bến Hải. Ảnh: Nhật Anh/TTXVN

Hiện nay, huyện Vĩnh Linh tập trung khai thác, phát huy tiềm năng du lịch. Vĩnh Linh được ví như là “hình ảnh” thu nhỏ của tỉnh Quảng Trị về tiềm năng du lịch, bởi huyện có hệ thống di tích chiến tranh. Cụ thể, địa phương này có đến 180 di tích, trong đó có các Di tích Quốc gia đặc biệt như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Đường mòn Hồ Chí Minh; Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, địa phương này còn có tour du lịch hoài niệm vùng phi quân sự (DMZ). Ngày nay, đi trên Quốc lộ 1A, không ít người dành thời gian thăm Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi hội tụ nỗi niềm đau đáu nhớ thương, thao thức của đất nước suốt 21 năm bị chia cắt. Đến đây, mọi người đều mang niềm tự hào, sự tri ân và trào dâng khát vọng hòa bình. Vào dịp Lễ 30/4 hàng năm, Lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức tại Di tích Quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; trong đó, Lễ Thượng cờ luôn mang đến cho du khách niềm xúc động, lòng tự hào dâng trào khi lá cờ Tổ quốc được kéo lên và tung bay kiêu hãnh bên đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. 
          
Du lịch biển ở Vĩnh Linh cũng đang khởi sắc; trong đó, Mũi Trèo ở thôn Hương Bắc, xã Vĩnh Kim, đang trở thành một địa danh thu hút du khách. Đến với Mũi Trèo, du khách được trải nghiệm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ, một bên là núi rừng trùng điệp, một bên là biển xanh bao la, cát trắng, nắng vàng ngút tầm mắt. Đứng trên Mũi Trèo, du khách sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên, đặc biệt là đối với những du khách thích khám phá, tìm cảm giác mạnh bởi sự hoang sơ của Mũi Trèo. Mũi Trèo đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Trong đó, Tập đoàn Pacific Healthcare xúc tiến đầu tư Khu du lịch Mũi Trèo với kinh phí dự kiến 3.500 tỷ đồng. Cách Mũi Trèo không xa là biển Cửa Tùng, từng được mệnh danh “Nữ hoàng bãi tắm”. Khu vực này cũng đang chào đón các nhà đầu tư. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE đầu tư Khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng, diện tích khoảng 36 ha với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng. 
          
Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cũng được huyện Vĩnh Linh ưu tiên, với việc hình thành vùng chuyên canh cây trồng cho giá trị cao như: Hồ tiêu hơn 1.300 ha, cao su gần 6.600 ha, trồng rừng và cây ăn quả. Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận 6 nhãn hiệu hàng hóa tập thể ở Vĩnh Linh, gồm: Ném Vĩnh Linh, Lạc Vĩnh Linh, Dưa hấu Vĩnh Tú, Đậu xanh Vĩnh Giang, Khoai môn Vĩnh Linh, Hồ tiêu Vĩnh Linh. Đây đều là những sản phẩm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng và mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân.
          
Bên cạnh đó, huyện Vĩnh Linh còn chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với các ngành: chế biến thủy sản, gạo, tinh bột nghệ, cao su, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc… qua đó tạo việc làm cho 2.000 lao động địa phương. Huyện có tốc độ tăng trưởng bình quân về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp luôn đạt trên 12%/năm. Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn huyện phát triển mạnh ở 3 thị trấn: Hồ Xá, Cửa Tùng, Bến Quan đã và đang tạo động lực cho vùng xung quanh phát triển. Các công trình giao thông trọng yếu được xây dựng như: Cầu Hiền Lương mới, cầu Cửa Tùng, tuyến Quốc lộ 1A mới… đã giúp Vĩnh Linh kết nối với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh Quảng Trị. Tất cả đều đang giúp cho Vĩnh Linh “thay da đổi thịt”. Theo ông Thái Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, huyện có tổng thu ngân sách trên 647 tỷ đồng/năm, 15/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 5%. 
          
Trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Linh được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba. Đặc biệt, năm 2011, Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Nguyên Lý  (TTXVN)
Vĩnh Linh phải tiếp tục đi đầu, là 'lũy thép' trong thời kỳ mới
Vĩnh Linh phải tiếp tục đi đầu, là 'lũy thép' trong thời kỳ mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị, kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN