Năm 2013, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư trên 25,7 tỷ đồng xây dựng mới 7 công trình cấp nước tập trung và 14 công trình cấp nước, nhà tiêu hợp vệ sinh tại các trường mầm non, phổ thông ở 4 huyện nghèo của tỉnh, gồm: Lắk, Krông Bông, M’Đrắk, Buôn Đôn và các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Như vậy, tổng số công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn nông thôn của tỉnh hiện tăng lên 252.672 công trình, trong đó có 97 công trình cấp nước tập trung, 252.575 công trình nhỏ lẻ và đã có trên 81% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tăng gần 18% so với năm 2008.
Trong mấy năm qua, tỉnh đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau như: Nguồn vốn của Chương trình 134, 135, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các tổ chức quốc tế tài trợ… để ưu tiên đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn về nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Chỉ riêng giai đoạn từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã huy động các nguồn vốn đầu tư trên 339,183 tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước tập trung và phân tán.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đã cải thiện đáng kể tình trạng vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn, hạn chế các bệnh liên quan đến nguồn nước không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền, quản lý còn yếu kém, nên nhiều công trình cấp nước tập trung ở tỉnh Đắk Lắk nhanh xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả. Tỉnh Đắk Lắk cần sớm lập lại công tác phân cấp quản lý, tăng cường đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công nhân, người dân trông coi, vận hành để sử dụng có hiệu quả các cônhg trình cấp nước tập trung.
Quang Huy