Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm 7/9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơ quan khí tượng cảnh báo, áp thấp nhiệt đới có thể gây mưa to đến rất to ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa. Vì vậy cùng với công tác khắc phục hậu quả bão số 3, các địa phương cần chủ động phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống
Các ngành, địa phương đang huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện; điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng.
Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc.
Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ.
Hạ tầng viễn thông tại Hải Phòng, Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khiến nhiều khu vực không đảm bảo liên lạc. Viettel và Mobifone đã phối hợp triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí. Theo đó thuê bao của các mạng di động khác có thể tự động kết nối để thực hiện cuộc gọi, nhắn tin SMS trên hạ tầng của Viettel tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn và ngược lại.
MobiFone và VinaPhone cũng hỗ trợ khách hàng sử dụng chung sóng của các nhà mạng khác. Quá trình roaming giữa các nhà mạng được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ khách hàng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực tại các địa phương tiếp tục khắc phục sự cố về điện, ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng để thực hiện bơm tiêu úng cho các diện tích bị úng ngập. Các công ty thủy lợi khẩn trương bơm tiêu úng cho các diện tích bị úng ngập.
Sở Giao thông vận tải phối hợp các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục giải tỏa chướng ngại vật, thu dọn cây xanh gẫy đổ để đảm bảo lưu thông và an toàn giao thông trên các tuyến đường. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo khắc phục các sự cố để đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc được thông suốt.
Trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Công điện chỉ đạo các bộ, ban, ngành địa phương triển khai ứng phó với bão, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng, chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Một số Bộ trưởng, Thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng, chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng, chống bão.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 2 công điện, văn bản chỉ đạo sớm từ ngày 2/9 khi bão còn ở phía đông Philippines; họp trực tuyến với các bộ, ngành và 11 tỉnh, thành phố ven biển. Trước khi bão đổ bộ, 2 đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình.
Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, các trọng điểm xung yếu.
Quân đội huy động gần 500.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 10.100 phương tiện các loại để ứng phó với bão số 3. Các Quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa và di dời khỏi khu vực nguy hiểm.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp chặt chẽ xử lý các sự cố do bão tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong chiều 6/9 và ngày 7/9, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong xử lý sự cố do bão số 3 gây ra tại 30 quận, huyện, thị xã, đưa người bị nạn đi cấp cứu, khơi thông dòng chảy, cắt cây, tỉa cành...
Bộ Công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chi viện khi có yêu cầu; phối hợp với các cấp, ngành khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, mưa lũ, khả năng cao xảy ra ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét; kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra; chủ động các phương án, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai...
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão. Cùng với đó, các đơn vị tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
9 người chết và 187 người bị thương
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thống kê ban đầu đến 7 giờ ngày 8/9 đã có 9 người chết (Hòa Bình 4, Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1) và 187 người bị thương do bão số 3; 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gẫy đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gẫy đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội,..
Sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương cũng bị thiệt hại với 121.500ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại; trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).
Tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới
Hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.
Vì vậy đối với vùng đồng bằng, ven biển tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.
Các địa phương triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tầu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương; tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Các địa phương ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học; dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão…
Đối với khu vực miền núi phía Bắc, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Các địa phương tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Bên cạnh đó tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.