Trước đó, ngày 29/8/2023, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định áp giá đền bù hỗ trợ với các tổ chức cá nhân có diện tích đất bị thu hồi dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 (đoạn thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng).
Theo đó, giá đền bù giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn huyện Long Phú và huyện Cù Lao Dung, nơi cao nhất 1.996.000 đồng/m2 và thấp nhất 161.000 đồng/m2. Tùy theo từng loại đất (đất ở tại nông thôn, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm…) và vị trí đất sẽ có mức giá bồi thường tương ứng đúng theo quy định.
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thông tin, Dự án Cầu Đại Ngãi đi qua địa bàn huyện có chiều dài tuyến khoảng 5,1km, tổng diện tích thu hồi là 186.644,3 m2 và có 93 trường hợp bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, huyện đã niêm yết công khai áp giá bồi thường, họp dân công bố phương án áp giá đền bù, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án cầu Đại Ngãi. Qua đó, các hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng thuận cao với mức hỗ trợ của địa phương đưa ra.
Ông Phạm Kiến Quốc, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Sóc Trăng cho biết, đơn vị được UBND tỉnh giao bồi thường và giải phóng mặt bằng dự án. Theo đó, tổng chiều dài dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 (đoạn thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng) tuyến khoảng 5,3km, có 118 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi là 202.848,3 m2.
Tính đến ngày 10/9/2023, số hộ đồng thuận đạt tỷ lệ 96,6%; trong đó, huyện Long Phú đạt 100% số hộ đồng thuận giao bằng bằng với diện tích thu hồi là 6.564,6 m2, huyện Cù Lao Dung 90 hộ đồng thuận giao mặt bằng với diện tích thu hồi 161.771,8 m2 đạt tỷ lệ gần 90%.
Tỉnh Sóc Trăng đang phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng đạt 100 % và dự kiến bàn giao mặt bằng cho Ban quản lý Dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) cuối tháng 9/2023.
Dự án cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ kết nối giao thông toàn tuyến Quốc lộ 60, giúp rút ngắn khoảng cách 80km khi di chuyển từ tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về Thành phố Hồ Chí Minh theo tuyến Quốc lộ 60, tiết kiệm hơn 1 giờ đi đường. Đồng thời, mở hướng phát triển kinh tế vùng duyên hải các tỉnh miền Tây Nam Bộ, hỗ trợ phát triển kinh tế biển của các địa phương.
Những ngày qua, người dân ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung bị ảnh hưởng của Dự án được ngành chức năng cấp tiền đền bù, hỗ trợ. Ông Nguyễn Văn Xuyên xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung cho biết, ông rất phấn khởi được nhận tiền hỗ trợ từ dự án cầu Đại Ngãi, bởi các khung chính sách đền bù thỏa đáng, minh bạch và theo quy định.
Ông Xuyên cho hay: “người dân sinh sống ở vùng cù lao sông nước, khi được thông tin dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, mọi người đều rất đồng tình, thống nhất cao với chủ trương của Đảng và Nhà nước và mong muốn dự án sớm thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân sau nhiều năm chờ đợi".
Ông Huỳnh Thanh Diệp, xã An Thạnh Đông ở huyện Cù Lao Dung cho biết, gia đình có trên 700 m2 trong dự án xây dựng cầu Đại Ngãi, thời gian qua, chính quyền địa phương phối hợp với ngành chức năng kiểm đếm, đo đạc rất kỹ càng, định mức áp giá hỗ trợ đền bù phù hợp với giá thị trường hiện tại nên bản thân gia đình và người dân trong dự án đồng thuận khá cao.
Dự án cầu Đại Ngãi là niềm mong mỏi của người dân Cù Lao Dung nói riêng và sự chờ đợi của người dân tỉnh Sóc Trăng nói chung. Khi cầu Đại Ngãi được xây dựng tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, giao thương hàng hóa của huyện Cù Lao Dung thêm dễ dàng. Qua đó, phát huy được những tiềm năng sẵn có ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Sóc Trăng.