Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết ghi lại những tháng ngày không thể nào quên này của TP Hồ Chí Minh.
Bài 1: Hành động đẹp mỗi ngày
Trong điều kiện khó khăn chung của dịch bệnh, công nhân, người lao động cũng bị tác động rất lớn. Từ thực tế đó, các cấp Công đoàn Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho hơn 370.000 công nhân, người lao động và người dân nghèo tại các khu phong tỏa, điểm cách ly. Mỗi nơi một cách làm khác nhau, phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh nhưng tất cả đều đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng dịch; đưa các sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu và cả thiết bị y tế đến với mọi người, mọi nhà kịp thời và đúng đối tượng.
Không để ai bị thiếu ăn
Những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 cùng với việc hạn chế ra đường sau 18 giờ khiến cuộc sống của nhiều người nghèo đã khó lại càng khó hơn. Trước cảnh tình này, nhiều Công đoàn đã kết nối cùng các tổ chức, cá nhân đồng loạt ra quân tiếp sức, giúp người lao động nghèo, các hộ dân khu vực phong tỏa từng ngày, từng bữa, động viên mọi người yên tâm, đồng lòng chống dịch.
Chỉ trong 3 đợt vận động, Công đoàn viên chức thành phố đã tặng hơn 15 tấn rau củ quả, nhu yếu phẩm cho người nghèo tại khu vực phong tỏa Phường 12 và Phường 14, Quận 8.
Anh Lương Tuấn Anh, Chủ tịch Công đoàn viên chức thành phố cho biết, khảo sát tại hơn 30 điểm phong tỏa cho thấy, hầu hết cư dân đều là công nhân, lao động tự do, làm việc thời vụ, chạy xe ôm, bán vé số… thu nhập rất bấp bênh. Dịch COVID-19 kéo dài, khiến công việc của họ đã không thường xuyên nay phải dừng hẳn; trong khi các chi phí sinh hoạt hằng ngày đều tăng.
Liên đoàn Lao động nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã vận động hàng chục ngàn tấn gạo, nông sản và các vật dụng y tế cần thiết để tặng người lao động ở khu cách ly, phong tỏa, người lao động khu vực phi chính thức như nghiệp đoàn xe ôm; giáo viên, học viên và công nhân lao động của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Để những phần quà, lương thực, thực phẩm nhanh đến tay những người “mắc kẹt giữa tâm dịch”, Liên đoàn Lao động Quận 7 đã phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự quận tổ chức “Đội tiếp ứng thực phẩm tại nhà”. Lực lượng nòng cốt của đội hình này là các chiến sĩ, cán bộ công đoàn và thanh niên tình nguyện dùng xe máy, xe đẩy nhỏ để đưa hàng hóa đến tận ngõ, ngách; trao tay cho người dân với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Đại úy Đinh Quang Hiếu, Ban Chỉ huy Quân sự Quận 7, phụ trách đội hình này cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, đội tiếp ứng đã đưa hơn 10.000 phần quà, gồm các nhu yếu phẩm thiết yếu đến nơi phong tỏa và những hộ dân không thể tiếp nhận được các nguồn thực phẩm khác. “Tuy tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng chúng tôi thấy hạnh phúc hơn khi những phần quà đến tận tay người dân khó khăn”, Đại úy Hiếu chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bình Chánh cho biết đã nhận được hơn 15 tấn gạo, rau củ quả, cá hộp, trứng từ các đơn vị hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn do dịch. Để thực phẩm đến đúng nơi, đúng chỗ, đơn vị cùng Công đoàn cơ sở cơ quan UBND xã, thị trấn và các trưởng ấp khảo sát nắm thông tin từng khu vực, hộ gia đình có nhu cầu.
“Họ đến từng nhà trọ để khảo sát nhu cầu của người lao động, hộ gia đình, đảm bảo thực phẩm được chia đồng đều hay theo nhu cầu. Những trường hợp thật sự gặp khó khăn có thể gọi điện trực tiếp hay nhắn tin qua mạng xã hội của Công đoàn và sẽ có nhóm vận chuyển đến tận nơi”, ông Bảo cho biết thêm.
Bảo đảm chất lượng từng bữa ăn
Trong những ngày giãn cách, bà con khu phong tỏa ở hẻm 74 Bùi Quang Là (Phường 12, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) không khỏi bất ngờ bởi chương trình “Suất ăn nghĩa tình công đoàn Gò Vấp” do cán bộ công đoàn trực tiếp chế biến. “Hơn cả tháng nay, ngoài đường phố không có hàng quán. Từ khi bị phong tỏa, việc mua lương thực, thực phẩm còn khó, nên không nghĩ tô cháo, tô bún giữa đại dịch lại ngon đến thế…”, chị Lê Thị Hạnh, người dân ở hẻm 74 Bùi Quang Là chia sẻ.
Để làm được những suất ăn ngon, bảo đảm chất lượng giữa mùa dịch, chị Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp cùng anh chị em trong đơn vị đã vận động các doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, sau đó vận động các đầu bếp cùng nhiều người tình nguyện sơ chế, nấu nướng nhanh, gọn, sạch, bảo đảm an toàn và kịp thời phục vụ nhân dân.
“Vất vả từ khâu mua sắm, chuẩn bị gia vị đến khi sơ chế và nấu thành phẩm, rồi lại vận chuyển đến tận tay người dùng. Đẫm mồ hôi sau mỗi lần vào bếp, song tất cả đều vui khi thấy sản phẩm của mình được nhiều người vui mừng đón nhận, góp phần tăng cường sức khỏe cho mọi người”, chị Yến bộc bạch.
Tham gia chương trình “Suất ăn nghĩa tình công đoàn Gò Vấp”, các cô giáo Trường Mầm non Nhật Quỳnh (quận Gò Vấp) phối hợp với UBND Phường 3, nhóm thiện nguyện “Nụ cười Việt” thực hiện hơn 10.000 suất ăn bảo đảm chất lượng.
Cô Nguyễn Ngọc Uyên Thương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhật Quỳnh cho biết: Nhà trường tận dụng bếp ăn kết hợp cùng cán bộ, giáo viên và các bạn tình nguyện viên, người góp công, góp của chế biến những suất ăn nghĩa tình gửi tới hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch.
Thời gian qua, hưởng ứng các chương trình hỗ trợ đời sống người lao động, công nhân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều cá nhân, nhà hàng, cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm cũng đã chung tay, ủng hộ hàng nghìn xuất ăn, các sản phẩm chế biến sẵn, nhanh chóng chuyển đến tận tay người khó khăn.
Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn HungWay (Khu chế xuất Tân Thuận) xúc động khi gần 1 tháng qua liên tục nhận được sự hỗ trợ, chăm lo từ tổ chức Công đoàn, trong đó có các sản phẩm từ "Bếp ăn yêu thương".Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, với tinh thần “tương thân tương ái”, các cấp Công đoàn đã tặng hàng tấn lương thực, thực phẩm, nông sản, nhiều đồ dùng thiết yếu cùng hơn 40.000 suất ăn, hàng chục ngàn phần thực phẩm đóng hộp cho các hộ gia đình, cá nhân khó khăn do dịch COVID-19. Mỗi phần quà, mỗi suất ăn tuy nhỏ nhưng là niềm vui lớn của nhiều người nhận, người làm và người biếu tặng. Vì thế giữa đại dịch, những tấm lòng nhân ái, những hình ảnh đẹp mỗi ngày luôn lan tỏa trong cộng đồng.
Bài 2: Lan tỏa yêu thương