Tại Quảng Bình, trong đợt mưa lũ này đã có 8 người chết, thiệt hại về vật chất chưa thể thống kê hết. Những ngày này, cùng với lực lượng chức năng trong tỉnh, hàng triệu tấm lòng người dân cả nước đang hướng về Quảng Bình. Tranh thủ từng giờ từng phút, những túi hàng cứu trợ đang được gửi đến bà con vùng lũ...
Trong cơn bĩ cực
Tại rốn lũ Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh - vùng đất thường xuyên bị ngập lụt trước đây, người dân đã xây dựng nhà có cốt móng rất cao, ít nhất bằng với đỉnh lũ cao nhất trước đó. Thế nhưng năm nay nước lũ bất ngờ dâng lên dữ dội trong đêm. Chỉ chưa đến 6 giờ đồng hồ, nước đã dâng lên vượt đỉnh lũ lịch sử được ghi nhận trước đó gần cả mét, người dân hoảng loạn kêu cứu trong đêm. Hàng trăm gia đình chỉ biết “bỏ của chạy lấy người” bồng bế nhau chạy đến những nhà cao hơn tránh trú, bỏ lại sau lưng tất cả.
Anh Nguyễn Văn Dương, thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh cho biết, khoảng 10 giờ đêm 18/10, lũ bắt đầu lên rất nhanh. Mặc dù gia đình đã chủ động đưa các vật dụng lên cao cách đỉnh lũ cao nhất trước đó từ 30-40cm nhưng nước liên tục lên và không có dấu hiệu dừng lại, cứ 1 giờ đồng hồ nước dâng lên lại lên khoảng 10cm. Thóc lúa và gần như tất cả các vật dụng trong nhà đều bị nhấn chìm. Anh Dương phải cùng vợ con di chuyển đến nhà hàng xóm tránh trú.
Ông Nguyễn Văn Doãn, thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh cho biết, nước lũ đợt này lên rất nhanh, dù có chuẩn bị từ trước nhưng không thể ngờ lũ cao thế. Hầu hết các nhà cấp 4 trong thôn đều ngập quá nửa, thóc lúa, các vật dụng trong nhà đều bị nước nhấn chìm, may mắn không bị thiệt hại về người. Đến giờ nước đã rút nhưng cả thôn vẫn đang bị cô lập với bên ngoài. Lương thực chuẩn bị trước đó đều đã sử dụng hết cho đợt mưa lũ trước, nên bây giờ khó khăn của bà con là lương thực, nước uống.
Tại rốn lũ huyện Lệ Thủy, đỉnh lũ trên sông Kiến Giang dâng cao hơn trận lũ lịch sử năm 1979 hơn nửa mét; gần như toàn huyện đều bị ngập. 15.000 hộ đã được lực lượng chức năng di dời đến nơi an toàn nhưng mưa lũ cũng khiến 3 người chết. Người dân thôn 3 - Thanh Tân, xã Thanh Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết tin gia đình anh Hoàng Văn Đức và chị Ngô Thị Thơm vừa mất đi cùng lúc 2 người con trong cơn lũ dữ. Trong căn nhà nhỏ của ông bà nội hai cháu nhỏ, hai chiếc quan tài nhỏ nằm cạnh nhau được anh Đức kê cao dần theo con nước lên. Cạnh đó người mẹ đã khóc đến ngất lịm, khi tỉnh dậy lại gọi tên hai con, ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. Trước đó, ngày 18/10, nước lũ lên nhanh, có nơi ngập sau gần 2 mét, để đảm bảo an toàn, anh Đức nhờ em trai mình dùng 1 chiếc thuyền nhỏ chở 2 con lên nhà ông bà nội (cách đó 1km) để tránh lũ. Thế nhưng khi vừa đi được 300 mét, không may gặp sóng to, gió lớn, chiếc thuyền chao đảo rồi lật úp trong tích tắc, cả cháu nhỏ đã bị chìm trong dòng nước lũ !...
Chỉ trong chưa đến 10 ngày, Quảng Bình liên tiếp hứng chịu 2 đợt mưa lũ, trong đó đợt mưa lũ có đỉnh lũ lớn nhất trong lịch sử người dân nơi đây từng chứng kiến vẫn chưa kết thúc. Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến sáng 21/10, mưa lũ đã làm 8 người chết, 14 người bị thương, hơn 105.000 nhà dân vẫn đang bị ngập trong nước lũ, gần 30.000 hộ dân được lực lượng chức năng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, hàng trăm héc-ta thủy sản, hoa màu... bị hư hại, thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
Ấm áp tình đồng bào
Trong cơn lũ lịch sử, lực lượng Quân đội, Công an - những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu thường xuyên trắng đêm cứu hỗ trợ bà con chạy lũ, nhiều tấm gương dũng cảm quên mình đưa người bị nạn đến nơi an toàn. Cả hệ thống chính trị được huy động tổng lực để hỗ trợ, ứng cứu người dân vượt lũ, không để bà con bị đói.
Trên các tuyến đường hướng về Quảng Bình cũng như miền Trung, những ngày này có nhiều đoàn xe chở hàng “Cứu trợ miền Trung”, “Hướng về Quảng Bình”... Ở ĐăkLăk, Nghệ An người dân còn đỏ lửa xuyên đêm nấu bánh chưng gửi về vùng lũ Quảng Bình với hy vọng giảm bớt phần nào khó khăn, vất vả của bà con nơi đây.
Tại ngã ba Võ Xá, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, hàng chục đoàn cứu trợ đang khẩn trương liên hệ các xuồng, thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ đến đồng bào vùng rốn lũ xã Hàm Ninh một cách nhanh nhất. Việc tìm kiếm được đội thuyền đi đến vùng rốn lũ khá khó khăn bởi số lượng tàu thuyền rất ít, nhiều đoàn phải chờ cả ngày trời mới tới lượt nhưng tất cả không vì thế mà nản lòng.
Anh N.A. Tuấn, đoàn thiện nguyện từ thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, đoàn anh đi có 6 người, xuất phát ở Vinh từ 5 giờ đến đây lúc hơn 9 giờ nhưng mãi đến chiều mới tìm được thuyền để vận chuyển hàng cứu trợ vào cho bà con. Dù rất vất vả nhưng mọi người trong đoàn đều rất vui vì những phần quà đã được chuyển đến tay đồng bào vùng lũ, chia sẻ được phần nào sự khó khăn, mất mát của bà con.
Cùng theo đoàn tình nguyện là những bạn trẻ từ thành phố Đồng Hới, đến vùng rốn lũ Hàm Ninh, sau nhiều câu chuyện, phóng viên đi theo đoàn mới biết hơn 200 suất quà gồm một số nhu yếu phẩm như mỳ tôm và nước sạch là của các bạn kêu gọi mọi người ủng hộ và tự mình đóng góp để đến trao cho bà con. Đang trò chuyện thì thuyền bỗng đi chậm lại, anh lái thuyền nói “Đi nhanh sóng lớn sẽ làm hỏng hết cây vườn, tội bà con lắm”. Do nước vẫn còn rất sâu, nên nhiều người phải lội nước ra xa để lấy hàng cứu trợ. Trong cuộc trò chuyện vội vàng là lời hỏi thăm sức khỏe, lời động viên xen giữa là những lời cảm ơn, những nụ cười ấm áp.
Chị Phan Thị Toan, thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh cho biết: Đợt lũ trước bà con mới đi nhận hàng cứu trợ về chưa kịp sử dụng thì lũ lại lên. Nước dâng cao quá, cả nhà 4 người phải sang nhà hàng xóm tránh trú. Hôm trước, có đoàn cứu trợ vào chuyển cho thùng mỳ tôm, gia đình cầm cự đến giờ.
Có phần may mắn hơn là hộ nhà anh Nguyễn Văn Chiến, thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh. Do nhà mới xây nên anh đã thiết kế thêm một gác xép phía trên. Khi lũ lên cả nhà đều có nơi ăn ngủ. Đây cũng là nơi tránh trú của 4 gia đình khác trong xóm. Anh Chiến chia sẻ, đợt lũ này nước lên nhanh quá, tầng dưới ngập hết chỉ đưa được một ít gạo lên gác, còn các vật dụng khác thì ngập trong nước. Trên gác xép giờ là chỗ ở của 5 hộ gia đình với gần 20 người...
Sau hành trình hơn 2 giờ đồng hồ, những phần quà đều đã đến tận tay người nhận. Chiếc thuyền chao sóng trở về nơi xuất phát, bốn bề vẫn mênh mông nước lũ. Những con người không quen biết, bỗng chốc trở nên gần gũi như người thân trong gia đình.
Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm hiện tại, đã có hàng chục đơn vị đăng ký hỗ trợ hàng chục tỷ đồng. Hàng ngàn suất quà cũng đã được các đơn vị thiện nguyện trao đến bà con vùng lũ.
Miền Trung, mảnh đất được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa”, mỗi năm người Quảng Bình phải gánh chịu không dưới 10 cơn bão kèm mưa lũ. Thế nhưng, sau những mất mát, đau thương, người dân vùng lũ nhận được là tinh thần "tương thân tương ái”, là sự sẻ chia những yêu thương, ấm áp nghĩa tình đồng bào.