Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường. Theo Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam được xếp là một trong số 5 quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu; xếp thứ 91 trong tổng số 191 quốc gia phải đối mặt với mức độ rủi ro thiên tai cao theo Chỉ số Quản lý rủi ro (INFORM), xếp thứ 16 toàn cầu về tác động nghiêm trọng do thiên tai liên quan đến khí hậu.
Suy giảm nguồn nước và chất lượng nước
Trên thực tế, do biến đổi khí hậu nên ở khu vực phía Nam của nước ta trong mùa khô kéo dài 6-8 tháng lượng nước chỉ chiếm 20 - 30% tổng lượng nước cả năm; thời kỳ hạn hán gây xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua kéo dài gấp từ 2 - 2,5 lần giai đoạn từ năm 2016 trở về trước. Các hoạt động khai thác nước thượng nguồn gia tăng, dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn nước và chất lượng nước.
Hiện nay, các hồ chứa thủy điện và hồ chứa thượng nguồn chỉ có thể kiểm soát được 20% tổng lượng nước chảy vào Việt Nam. Theo tính toán của WB thì tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, 11 trong tổng số 16 lưu vực sông chính của Việt Nam sẽ đối mặt với tình trạng căng thẳng về nước, đặc biệt là trên 4 lưu vực sông chính tạo ra 80% GDP của Việt Nam: sông Hồng - Thái Bình, Cửu Long, Đồng Nai và nhóm lưu vực sông Đông Nam Bộ.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940 - 1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%). Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn nước mặt chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài (71,7% diện tích lưu vực các sông ở bên ngoài lãnh thổ; 7 trong tổng số 13 sông lớn, quan trọng là sông liên quốc gia; 63% nguồn nước mặt xuất phát từ ngoài lãnh thổ).
Ngoài ra, tài nguyên nước phân bố không đều theo không gian và thời gian: phần lãnh thổ thuộc các tỉnh biên giới phía Bắc đến Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có 80% dân số, trên 90% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng chỉ có gần 40% lượng nước của cả nước; 60% lượng nước còn lại là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi chỉ có 20% dân số và khoảng 10% hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ nhưng cũng đang chịu tác động từ sử dụng nước khu vực thượng nguồn. Lưu vực sông Đồng Nai với khoảng 4,2% lượng nước nhưng đang đóng góp khoảng 30% GDP của cả nước. Lượng nước trong 3 - 5 tháng mùa lũ chiếm tới 70 - 80%, trong khi đó 7 - 9 tháng mùa kiệt chỉ có 20 - 30% lượng nước cả năm.
Hơn nữa, tình trạng sử dụng nước kém hiệu quả, còn lãng phí, các mô hình khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phát triển kinh tế chưa bền vững; ô nhiễm nguồn nước do khai thác khoáng sản, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, nước thải chưa xử lý của các đô thị, công nghiệp, làng nghề; trên 90% nước thải sinh hoạt nông thôn chưa được xử lý. Tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ nguồn nước làm biến đổi dòng chảy, suy giảm diện tích đất rừng, nguồn sinh thủy còn diễn ra. Cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa, hoạt động sản xuất, gia tăng các hoạt động xả nước thải đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn lên nguồn nước.
Giải pháp tổng thể quản lý, sử dụng nước bền vững
Để đảm bảo an ninh nguồn nước, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh cho biết, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước - lĩnh vực an ninh phi truyền thống, vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
Theo đó, Bộ sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác quản lý tài nguyên nước nhằm đảm bảo được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán của các công cụ kinh tế, tài chính để thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tài nguyên nước; thể chế để rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước, cơ chế quản lý theo lưu vực.
Tiếp tục triển khai công tác điều tra xác định thực trạng tài nguyên nước về số lượng, chất lượng; lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch quản lý tổng hợp lưu vực các sông lớn, tính toán cân bằng nước cho thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khai thác nước gia tăng tại thượng nguồn. Xác định các giải pháp tích trữ nguồn nước dựa vào xu thế tự nhiên, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước.
Đồng thời, Bộ Tài Nguyên và Môi trường sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho hạ tầng về nước, nhất là nước sinh hoạt, hồ chứa cho các vùng thường xuyên bị khô hạn, các dự án biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước đặc biệt là quan trắc tài nguyên nước mặt, nước dưới đất. Cụ thể, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, trước mắt xây dựng Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng đề án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi sản xuất quy mô lớn để thích ứng với điều kiện tự nhiên ở các vùng thường xuyên bị hạn hán như Nghị quyết 120 đối với Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường theo các lưu vực sông, xác định hành lang bảo vệ nguồn nước; triển khai các dự án cải thiện chất lượng nước các dòng sông bị ô nhiễm; quản lý rủi ro thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn để chủ động phương án sản xuất, cơ cấu mùa vụ để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong sản xuất nông nghiệp, thực hiệu tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa vào tài nguyên nước, phát huy tiềm năng lợi thế của nước mặn, nước lợ. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển rừng, bảo đảm nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông, nhất là chính sách tài chính cho người dân bảo vệ rừng ở thượng nguồn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục thúc đẩy các cơ chế hợp tác trong chia sẻ nguồn nước xuyên biên giới ở các lưu vực sông như sông Hồng, sông Mê Kông…Trước mắt, là thúc đẩy cơ chế tham vấn, trao đổi chia sẻ thông tin, phối hợp trong điều tiết nguồn nước trong mùa khô và về lâu dài thông qua các cơ chế hợp tác Ủy hội sông Mê Kông, Mê Kông - Lan Thương hướng tới xây dựng thể chế chung trong khai thác nguồn nước.