Khu vực kinh tế phi chính thức đã góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tạo ra rất nhiều việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khu vực này giải quyết rất nhiều việc làm trong thời kinh tế toàn cầu biến động vừa qua. Tuy thế, điều đáng tiếc là phần lớn những lao động thuộc khu vực kinh tế này lại chưa có chính sách kinh tế, xã hội quan tâm đúng mức. Chưa có quy định cụ thể về điều kiện làm việc, thời gian làm việc cho họ. Thậm chí mạng lưới an sinh xã hội còn bỏ sót họ…
Nhận định này đã được hai nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu và Phát triển của Pháp là Francios Roubaud và Mireille Razafindrakoto đưa ra tại Hội thảo “Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng và phục hồi: thị trường lao động và nền kinh tế phi chính thức”. Nhận định được đưa ra dựa trên những dữ liệu từ cuộc điều tra việc làm quốc gia năm 2007 và 2009, cũng như dữ liệu từ một điều tra chuyên biệt trong khu vực phi chính thức ở Hà Nội và TP.HCM.
Khu vực kinh tế phi chính thức góp 20% GDP
Trong nghiên cứu, những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức là những lao động tự do, bao gồm: Thợ uốn tóc, thợ may tại nhà, buôn bán rong, thợ xây dựng tự do, người hành nghề xe ôm, người giúp việc gia đình… và những người tự nguyện làm công cho người khác mà không được ký hợp đồng lao động. Những hoạt động này ở Việt Nam hiện thu hút được nhiều lao động. Nó cũng lấp được khoảng trống thiếu hụt về việc làm và thu nhập đối với một bộ phần lớn người dân.
Nghiên cứu cho thấy, hiện khu vực kinh tế phi chính thức có 11 triệu việc làm, chiếm gần 1/3 tổng việc làm chính và gần 1/2 số việc làm phi nông nghiệp. Cả nước có 8,4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh phi chính thức, trong đó 7,4 triệu hộ xem hoạt động trong khu vực này của mình là việc làm chính và 1 triệu hộ xem đó là việc làm thứ hai. Thu nhập từ khu vực việc làm phi chính thức chiếm khoảng 30- 60% tổng thu nhập quốc gia, đóng góp 20% GDP cho cả nước.
Bán hàng nước chính là một dạng lao động phi chính thức. Ảnh: Lê Phú |
“Chính khu vực kinh tế phi chính thức đã “gánh đỡ” nhiều cho nền kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ suy giảm kinh tế vừa qua. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở các nước đều tăng trước tác động của biến động kinh tế toàn cầu thì tại Việt Nam số đó lại giảm”, Tiến sĩ Francios Raubuad nhận định. Đặc biệt, nhờ khởi nguồn từ khu vực này mà không ít doanh nghiệp còn phát đạt, thành công. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tại Hà Nội và TP.HCM, khu vực phi chính thức vẫn là nguồn cung cấp việc làm lớn nhất (1/3), và ngày càng có xu hướng mở rộng quy mô do tác động của khủng hoảng. Giá trị gia tăng tạo ra bởi khu vực phi chính thức đạt khoảng 15% GDP của các tỉnh.
An sinh xã hội chưa bao phủ
Mặc dù đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nhưng chương trình, chính sách an sinh xã hội hiện vẫn chưa bao phủ lên số đông người lao động làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức. Chẳng hạn như dễ bị chủ bóc lột sức lao động và thường phải làm việc bất kể ở thời gian nào. Thậm chí, do môi trường làm việc không được tuân thủ theo một quy định chính quy nên lao động tại khu vực này còn “tự bóc lột” chính bản thân họ. Đơn cử vì muốn tăng thêm thu nhập, những người bán hàng rong, bán vé số, đánh giày… đã làm việc ngày đêm, không kể giờ giấc hay một số lao động đi làm thuê phải làm việc trong môi trường sản xuất độc hại, không được bảo hộ nên rất dễ bị mắc bệnh.
“Việc đóng BHXH và BHYT đối với người lao động trong khu vực này vẫn khá xa vời”, ông Francios Roubaud nhấn mạnh. Bằng chứng là mặc dù Việt Nam đã đề xuất và thực hiện nhiều chính sách nhằm tiến tới thực hiện BHYT toàn dân nhưng đa số lao động khu vực này đều không muốn tham gia vì họ thấy rằng, BHYT không giúp giảm đi nhiều gánh nặng từ chi phí về y tế… Chưa kể, những người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức thường quay vòng, luẩn quẩn trong đói nghèo. Hạn chế về năng lực, kiến thức và vật chất khiến cơ hội hòa nhập xã hội để phát triển không có nhiều.
Theo các chuyên gia, xã hội cần phải thừa nhận và bớt kỳ thị đối với người lao động khu vực kinh tế phi chính thức, đồng thời phải kiểm soát và hạn chế tối đa sự nhũng nhiễu đối với họ. Do vậy, các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách rất cần tổ chức một cuộc điều tra toàn diện về khu vực kinh tế phi chính thức để có cái nhìn đầy đủ và đây là cách tốt nhất để đề ra những chính sách thích hợp nhằm nâng cao điều kiện sống cho họ. Bên cạnh đó, cần làm sáng tỏ và thông tin về quy định pháp luật, hợp pháp hóa và thừa nhận sự tồn tại của khu vực phi chính thức bằng các chính sách là điều rất cần thiết.
Để tạo ra việc làm bền vững và ổn định cho khu vực kinh tế phi chính thức, chúng ta phải hoạch định các chính sách nhằm hỗ trợ cho người lao động chuyển dần ra khỏi khu vực này. Song, trước mắt nên thực hiện một số biện pháp góp phần cải thiện điều kiện hoạt động và làm việc của họ, đặc biệt tạo điều kiện để họ được tham gia BHXH, BHYT đồng thời hiểu được ý nghĩa an sinh từ chính sách này.
Thực tế xã hội cũng đang tồn tại sự chuyển đổi giữa tính chính thức và phi chính thức. Bởi vậy, cần có các chính sách thúc đẩy và thông tin để khuyến khích sự chính thức hóa và giảm tính phi chính thức. Theo dự báo, những đặc điểm này sẽ còn tồn tại trong một thời gian nữa. Điều quan trọng là phải xây dựng các chính sách mục tiêu nhằm kết hợp linh hoạt và bảo vệ khu vực kinh tế phi chính thức và việc làm phi chính thức.
Hiếu Dũng