Điều này gây ra mối quan tâm của các cơ quan chức năng và sự lo lắng của người dân, nhất là ở vùng hạ du về sự an toàn của các hồ đập và quy trình xả lũ trong mùa mưa, lũ.
An toàn, nhưng không được chủ quan
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước có 6.755 đập, hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích khoảng 63 tỷ m3. Nhìn chung, các hồ, đập lớn ở Việt Nam được xây dựng đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hiện tại có khoảng 1.200 hồ chứa nhỏ có bờ ngăn, đập bị hư hại, xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ nhưng chưa có kinh phí sửa chữa, nâng cấp, trong đó có khoảng 200 hồ chứa bị hư hại nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong khi mùa mưa bão đã tới. Từ năm 2010 đến cuối tháng 7 năm nay trên cả nước xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa thủy lợi. Riêng năm 2017 xảy ra 23 sự cố, năm 2018 có 12 sự cố, năm 2019 có 11 sự cố.
Trong năm 2020, vào ngày 28/5 đã xảy ra sự cố vỡ đập ở hồ Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ). Đập Đầm Thìn được xây dựng năm 2008 và được đưa vào sử dụng năm 2010. Như vậy, chỉ sau 10 năm được đưa vào sử dụng, con đập này đã bị vỡ. Tiếp đó, ngày 6/6 đập Bara Đô Lương (tỉnh Nghệ An) bị vỡ…
Các hồ, đập lớn ở Việt Nam an toàn. Tổng cục Thủy lợi khẳng định, phần lớn các hồ chứa nằm trong danh sách báo động là các hồ chứa vừa và nhỏ, không gây ra mối đe dọa lớn cho tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, chúng ta không thể chủ quan bởi các hồ, đập đều được xây dựng ở vị trí cao, nếu xảy ra sự cố thì áp lực được tạo ra từ một lượng nước rất lớn trút xuống vùng thấp sẽ gây hậu quả khó lường. Điều đặc biệt gây lo ngại là một số hồ đập nhỏ được xây dựng lâu năm mà không được đầu tư gia cố, tu bổ thường xuyên nên không bảo đảm yêu cầu chống lũ.
Tuân thủ nghiêm quy trình xả lũ
Vào mùa lũ năm 2019 hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 (tỉnh Lào Cai) xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Cụ thể, do xuất hiện lũ lớn bất thường khiến mực nước trong hồ chứa dâng nhanh, có nguy cơ gây mất an toàn đập nên chủ công trình đã cho xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện, mà chưa kịp cảnh báo với các cơ quan chức năng và người dân ở hạ du.
Để tránh lặp lại bài học đó, phát biểu tại Hội nghị công tác phòng, chống thiên tai các tỉnh miền núi phía Bắc diễn ra ngày 13/7/2020, tại Lào Cai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, nhấn mạnh: Trong bối cảnh mưa lũ mạnh và thất thường như hiện nay, cần tính đến kịch bản để các hồ đập hoạt động cũng như xả lũ an toàn, vừa phục vụ an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước, vừa đảm bảo tính mạng, việc sản xuất của người dân ở hạ du.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong mùa lũ, các hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa có dung tích nhỏ, đều vận hành theo nguyên tắc chung khi có dự báo lũ, đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ. Khi lũ về hồ phải tích nước hoặc xả với lưu lượng nhỏ hơn lưu lượng về hồ; khi mực nước hồ đạt cao trình giới hạn cho phép thì được xả với lưu lượng lớn nhất bằng lưu lượng về hồ để duy trì mực nước hồ không vượt quá cao trình cho phép, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, khu vực miền núi phía Bắc đã có Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng ban hành kèm theo Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 gồm các hồ Sơn La, Hòa Bình, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang và Thác Bà.
Trong 3 năm trở lại đây tại khu vực Bắc Bộ đã xảy ra nhiều trận lũ lớn bất thường, nhưng do các quy định về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa được thực hiện tốt nên các đập, hồ chứa thủy điện lớn vẫn vận hành an toàn, ổn định; tham gia tích cực vào việc cắt, giảm, làm chậm lũ, góp phần đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai với từng thành viên, cụ thể là Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát với thực tiễn nhất; đồng thời cần tuân thủ nghiêm chỉnh tất cả sự điều hành liên hồ chứa dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh để đảm bảo các hồ chứa vận hành một cách khoa học, an toàn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tăng cường các biện pháp tổng thể từ điều hành quy trình xả nước, tích nước một cách liên hoàn trên cơ sở đảm bảo phục vụ an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước sử dụng chung, cũng như sản xuất ở hạ du.
Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
Ngày 4/9/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Theo đó, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước; chủ sở hữu đập, hồ chứa nước chịu trách nhiệm về an toàn đập, hồ chứa nước do mình sở hữu; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có trách nhiệm quản lý, khai thác, bảo đảm an toàn, phát huy hiệu quả của công trình.
Trước mùa mưa hằng năm, chủ sở hữu đập, hồ chứa nước phải kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước; thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời các hư hỏng để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.
Sau mùa mưa hằng năm, phải kiểm tra nhằm phát hiện các hư hỏng; theo dõi diễn biến các hư hỏng của đập, hồ chứa nước; rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai; đề xuất biện pháp và kế hoạch sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp….