“Triển lãm và giới thiệu nghề đan lát Cơ Tu” là hoạt động nằm trong tiểu dự án “Cải thiện sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân tộc thiểu số thông qua phát triển chuỗi giá trị mây tre đan và cây dược liệu nhằm tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Quảng Nam”.
Trong khuôn khổ triển lãm, khách tham quan đã được giới thiệu những nét đặc sắc trong đời sống, tập tục, văn hóa và bức tranh toàn thể về nghề đan lát của người Cơ Tu. Người Cơ Tu sử dụng nhiều nguyên liệu tự nhiên khác nhau để đan lát các vật dụng, nhưng chủ yếu vẫn là mây, tre, lá dứa, sợi guột, dây bìm bịp rừng...
Nói đến sản phẩm đan lát của người Cơ Tu, phải nói đến xà lếch, chiếc gùi 3 ngăn của người đàn ông, là đỉnh cao của nghệ thuật đan lát. Ngoài ra còn có p’reng – một loại gùi nhỏ được trang trí những hoa văn rất độc đáo mà trẻ em Cơ Tu theo mẹ mỗi khi đi lễ hội, hay P’rom- một loại gùi dành riêng cho phụ nữ để mang quà đi biếu mẹ cha...
Bên cạnh gùi, nón, mâm, nia... người Cơ Tu còn tạo ra nhiều loại vật dụng sinh hoạt được đan lát một cách tỉ mỉ, khéo léo và chứa đựng những ý nghĩa văn hóa vô cùng sâu sắc như rổ đựng, giỏ tuốt lúa, giỏ tỉa hạt, đơm bắt cá, dây buộc trâu... Để hoàn thành một sản phẩm này cần ít nhất 3-5 ngày, thậm chí có những sản phẩm mất cả tháng.
Dù sở hữu những kỹ năng đan lát tuyệt vời, với sản phẩm đa dạng và tinh tế, nhưng nghề đan lát của người Cơ Tu vẫn không thể phát triển trong nhiều năm gần đây. Nhiều sản phẩm truyền thống chỉ còn lại trong tiềm thức. Thậm chí, còn rất ít người ở các buôn làng có thể đan được các sản phẩm truyền thống. Người Cơ Tu cũng không có thu nhập từ nghề đan lát nên phải sống phụ thuộc vào khai thác tài nguyên rừng trong khu vực sinh sống của mình, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cũng như sự đa dạng sinh học của rừng.
Trước tình hình đó, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ hợp tác với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ hỗ trợ trên 450 hộ gia đình ở 10 xã thuộc 3 huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tham gia các hoạt động phát triển vùng nguyên liệu mây và đào tạo nghề đan lát thủ công, phát triển thị trường nhằm tạo thêm thu nhập cho bà con.
Đến nay, 150 ha nguyên liệu mây đã được trồng mới dưới những tán rừng và 50 ha mây tự nhiên được bảo vệ và khai thác bền vững. Gần 250 hộ gia đình cũng được đào tạo nghề để tạo nên rất nhiều sản phẩm quà tặng và sản phẩm trang trí mới bên cạnh các sản phẩm truyền thống.
Những hình ảnh tại triển lãm về các sản phẩm đan lát độc đáo của đồng bào Cơ Tu: