Theo đó, trong năm học 2017 - 2018, số học sinh không có hộ khẩu tại TP Hồ Chí Minh là 294.239 em. Việc gia tăng dân số cơ học này đã tạo áp lực cho thành phố về đảm bảo sĩ số lớp so với chuẩn quy định. Một số quận huyện có trường quy mô trên 40 - 50 học sinh/lớp đã làm hạn chế phần nào công tác quản lý chất lượng giảng dạy.
Gia tăng số học sinh cơ học, TP Hồ Chí Minh gặp nhiều áp lực chỗ học |
“Gia tăng số học sinh cơ học còn làm giảm số học sinh tham gia học 2 buổi. Bên cạnh đó, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… đều bị co hẹp gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến gia tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và gia tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn ngân sách của thành phố”, ông Lê Hồng Sơn cho biết thêm.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2018 - 2019, dự kiến TP Hồ Chí Minh tăng 67.234 học sinh. Nhìn chung số học sinh tăng nhiều nhất ở cấp mầm non với 20.225 học sinh và tiểu học 26.812 còn THCS tăng 10.406, THPT tăng 9.791 học sinh. Những quận huyện có số học sinh tăng nhiều nhất thường là những quận huyện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh nên tình trạng dân số tăng nhanh như quận 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, trong năm học mới 2018 - 2019 này, TP Hồ Chí Minh vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho con em nhân dân thành phố, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, công nhân, thực hiện tốt giáo dục phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học.
Để đảm bảo 100% con em thành phố có chỗ học, trong năm học 2018 – 2019, thành phố sẽ có 882 phòng học, trong đó tăng thêm 641 phòng mới và xây thay thế 241 phòng với tổng mức đầu tư hơn 2.336 tỷ đồng. Số phòng học mới lần lượt tại các quận huyện có số học sinh dự kiến tăng như quận 12 có 40 phòng, Bình Tân thêm 109 phòng, Thủ Đức thêm 59 phòng, huyện Bình Chánh thêm 148 phòng và Hóc Môn thêm 79 phòng.