Đổi thay ở vùng biên giới
Chúng tôi đến xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy (Kon Tum) vào một chiều cuối năm. Từ UBND huyện về Rờ Kơi trên con đường nhựa phẳng lì, không ai nghĩ cách đây chừng 20 năm, Rờ Kơi vẫn còn là vùng đất hoang vu với rừng xanh, cỏ lau trắng xóa một vùng biên viễn.
Nhìn trụ sở UBND xã khang trang, sạch đẹp nằm bên ven đường trục chính của xã; gần đó là ngôi trường tiểu học và THCS thoáng mát với cơ sở vật chất hiện đại đảm bảo cho quá trình dạy chữ, trồng người như chứng minh Rờ Kơi đã “thay da đổi thịt”.
Theo anh A Đinh, Bí thư Đảng ủy xã, ngày trước, tại mảnh đất biên giới này, 85% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn túc tắc bám ruộng, bám rẫy, bà con chủ yếu canh tác lúa, trồng xen bắp, rau, đậu các loại. Trình độ canh tác lạc hậu, cơ sở hạ tầng ít được đầu tư nên cái đói, cái nghèo cứ bám chặt với đồng bào. Nay đi khắp xã, cà phê cao su, bời lời đã phủ xanh mát; từng đàn bò, đàn dê béo tròn minh chứng cho sự vươn lên trong xóa đói giảm nghèo ở vùng biên cương Tổ quốc.
“Cơ cấu cây trồng của xã đã chuyển dịch mạnh sang phát triển cây công nghiệp với hơn 100 ha cà phê, khoảng 350 ha bời lời, 926 ha cao su... Chỉ nay mai thôi, khi diện tích cây công nghiệp cho thu hoạch, đời sống kinh tế nơi đây sẽ bước sang một trang mới”, Bí thư Đảng ủy xã, A Đinh tự tin khoe.
Già làng A Ghinh, dân tộc Hà Lăng cho biết, gia đình ông trước đây cũng rất khó khăn do đông con. Thời gian qua, được cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Rờ Kơi tận tình giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn cách làm ăn, tăng gia sản xuất nên gia đình đã có của ăn, của để.
Thiếu tá Nguyễn Thành Lâm, đội vận động quần chúng đồn biên phòng Rờ Kơi cho biết: Cùng với giúp dân phát triển kinh tế, Đảng ủy, chỉ huy đồn biên phòng Rờ Kơi đã tham mưu cho địa phương làm tốt công tác củng cố chính trị cơ sở; tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, sĩ quan biên phòng tăng cường xuống xã, tham gia sinh hoạt Đảng tại các chi bộ thôn, làng. Phối hợp với địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tại các thôn, làng.
Đi đầu trong vận động quần chúng
Xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trước đây, bà con còn chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn hoặc thả rông gây mất vệ sinh. Cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đã đến vận động, hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Tuyên truyền việc ngủ màn, ăn chín, uống sôi; vận động đào các hố rác chung cho thôn, làng tránh tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, lây truyền dịch bệnh.
Đến nay, tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm của xã đã được đảm bảo, đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không còn tình trạng ngộ độc thực phẩm hay dịch bệnh. Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên đồn biên phòng Lệ Thanh cho biết: Để hỗ trợ xã Ia Dom hoàn thành tiêu chí hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, Đảng ủy đồn biên phòng đã phân công đảng viên xuống địa bàn tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Trong đó, 1 đảng viên được tăng cường làm cán bộ xã.
Thời gian qua, đồn biên phòng Lệ Thanh phối hợp cùng chính quyền xã Ia Dom xóa được 5 hộ nghèo, nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 33,5 triệu đồng/năm.
Trong các hộ được hỗ trợ thoát nghèo có gia đình ông Rơ Châm Chiếk, dân tộc Jrai ở làng Ó, bộ đội biên phòng đã hỗ trợ gia đình ông về kỹ thuật, ngày công để triển khai mô hình cải tạo vườn tạp và chăn nuôi với số tiền đầu tư ban đầu 30 triệu đồng. Hiện nay, vườn cà phê xen canh của gia đình ông phát triển xanh tốt, đàn bò đã sinh sản.
Ông Rơ Châm Chiếk cho biết: “Gia đình tôi có 7 người, cuộc sống trước đây rất khó khăn. Nhờ bộ đội biên phòng hướng dẫn trồng cà phê, nuôi bò nên gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định. Gia đình tôi rất biết ơn bộ đội biên phòng Lệ Thanh”.
Hiệu quả của các phong trào, hoạt động nói trên đã góp phần thắt chặt mối quan hệ máu thịt quân với dân một ý chí, tạo nền tảng vững chắc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, cùng nhau quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.