Bà hỏa vẫn rình rập phố cổ

Vào dịp cuối năm, trời hanh khô là thời điểm “bà hỏa” luôn rình rập. Dù năm nào cũng xảy ra các vụ cháy trong khu vực phố cổ, nhưng ý thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn chưa được nâng lên.


Vẫn thiếu ý thức

Vụ hỏa hoạn cuối tháng 10 đã thiêu rụi cửa hàng bán thú nhồi bông tại số 34 Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, ý thức phòng cháy chữa cháy khu vực này chưa được nâng lên. Cách cửa hàng bị cháy chưa đầy 10 m, cửa hàng thú nhồi bông, số 28 Hàng Lược, vẫn xếp hàng cao ngất và công tác PCCC vẫn chưa được chú trọng.

Lực lượng chức năng đang chữa cháy tại phố Hàng Mã.

Phố Hàng Bạc, tuyến phố đông đúc bậc nhất phố cổ với đủ các loại cửa hàng kinh doanh, gồm chế tác vàng bạc, đồ lưu niệm du lịch, thời trang, đồ da, túi xách... Do mặt bằng kinh doanh quá chật hẹp, chỉ từ 4 - 10 m2/cửa hàng, nên các chủ cửa hàng phải tranh thủ xếp, hàng hóa chất kín từ nền lên nóc nhà, từ trong nhà ra ngoài cửa. Thực tế cho thấy, gian hàng kinh doanh nào cũng bày chật kín hàng hóa từ chân tường lên tận nóc nhà, trên nền nhà thì chỉ chừa mỗi lối đi.

Chị Minh Hương, chủ cửa hàng kinh doanh túi xách, ba lô du lịch tại số 23 Hàng Bạc cho biết, vừa nghe chuyện cháy tại cửa hàng 34 Hàng Mã tối hôm trước, cũng thấy sợ hỏa hoạn với cửa hàng mình, bởi cửa hàng kinh doanh túi xách, ba lô du lịch, toàn đồ da và vải ni lông rất dễ cháy. Sợ là vậy, nhưng trong gian hàng có góc treo cầu dao điện, chị Hương cũng treo kín mít bằng các loại túi xách. Hỏi về bình bọt cứu hỏa dự trữ, chị Hương lắc đầu cho biết: “Chưa sắm”!.

Thuê toàn bộ căn nhà cổ 2 tầng tại số 5 phố Đào Duy Từ, để kinh doanh mặt hàng bánh, kẹo; là đại lý lớn, phải tích nhiều hàng, nên chị Huệ Hương (chủ cửa hàng) cũng cho xếp chồng chất các thùng các tông đựng bánh, kẹo từ tầng 1 lên tầng 2. Nói về rủi ro hỏa hoạn, chị Huệ Hương cho biết, chưa bao giờ lo nghĩ đến việc hỏa hoạn có thể xảy ra ở cửa hàng. Để an toàn, biện pháp chị Huệ Hương áp dụng là ngắt toàn bộ cầu dao điện khi về. Đây là thực trạng chung tại các phố buôn bán như phố Hàng Chiếu, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Hàng Bồ, Thuốc Bắc và các phố quanh khu chợ Đồng Xuân, cửa hàng nào cũng ngồn ngộn hàng hóa từ trong ra ngoài vỉa hè. Tại nhiều phố, không ít cửa hàng kinh doanh các hàng hóa dễ cháy như đồ giấy, nhựa, bao gói ni lông, dây dứa, dây thừng ni lông... bày tràn ra cửa, treo cao lên nóc.

Tăng chế tài xử phạt

Triển khai công tác PCCC, UBND quận Hoàn Kiếm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các tổ dân phố, đoàn thể. “Tùy theo đặc trưng từng tuyến phố cổ mà xây dựng công tác PCCC như phố Lãn Ông (kinh doanh thuốc nam, thuốc bắc); phố Hàng Gà (kinh doanh hóa chất, in ấn)…. Theo đó, quy định khu vực để chất dễ cháy, trang bị thiết bị PCCC”, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết.

Quận Hoàn Kiếm có 166 tuyến đường phố, phần lớn nhỏ và ngắn. Trong đó, hơn 30 đường, phố xe chữa cháy khó tiếp cận; 845 ngõ xe chữa cháy không vào được… Tại khu vực phố cổ, có 477/ 529 hộ kinh doanh chưa niêm yết nội quy tiêu lệnh PCCC; 221/529 hộ sắp xếp hàng hóa không đảm bảo khoảng cách đến các thiết bị điện (hàng hóa sát, đè lên, dưới đường dây dẫn điện, thiết bị tiêu thụ điện); 269/529 hộ bố trí nơi thắp hương thờ cúng, đun nấu không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; 317/529 hộ chưa trang bị bình chữa cháy. (Phòng Cảnh sát PCCC số 1)

UBND phường cũng đã yêu cầu các hộ dân ký cam kết đảm bảo PCCC, tiến hành kiểm tra định kỳ, phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tránh để xảy ra cháy nổ đến từng hộ dân. Theo đó, từng hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh có trách nhiệm tự kiểm tra an toàn hệ thống điện; sắp xếp vật tư, phương tiện, hàng hóa trong nhà… gọn gàng, không gây cản trở các lối ra, vào. Khi xảy ra cháy, cần nhanh chóng cắt điện khu vực cháy, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng bình chữa cháy, chăn chiên thấm nước… để chữa cháy và thoát nạn.

Theo thiếu tá Đặng Văn Chiêu, Đội trưởng đội Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) số 1, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, do yếu tố hạ tầng khu vực này, nên công tác chữa cháy bị hạn chế nhiều so với các khu vực khác. Trong khi các trụ nước rất thiếu, thì cả khu vực chỉ có một bể nước đặt ở cuối chợ Đồng Xuân. Trong trường hợp xe cứu hỏa cần nước cũng khó có thể vào, bởi ban ngày là họp chợ xe ô tô ra vào mật độ lớn, hay tắc đường, ban đêm lại kinh doanh ẩm thực, tập trung đông người xe, nên cũng tắc đường.

Qua kết quả đợt kiểm tra mới đây của Sở Cảnh sát PCCC, nhiều hộ kinh doanh ở khu vực phố cổ chỉ chú trọng đến kinh doanh, chưa có ý thức phòng ngừa hỏa hoạn. Dù được khuyến cáo 100% hộ kinh doanh trang bị bình bột, phương tiện chữa cháy, nhưng thực tế qua kiểm tra, số hộ trang bị chưa nhiều.
Từ nay đến Tết, phố cổ sẽ càng tập kết hàng hóa nhiều hơn và nguy cơ hỏa hoạn vẫn hiển hiện. “Do đó, bên cạnh tuyên truyền, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm để người dân chấp hành quy định PCCC”, đại diện Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết.
Xuân Minh - Xuân Hương
Cháy khách sạn trong phố cổ Hà Nội
Cháy khách sạn trong phố cổ Hà Nội

Một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại khách An Nam tại số 27 phố Hàng Bè (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tối 28/9 khiến khách trọ người nước ngoài hoảng loạn tháo chạy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN