Ngày 27/11, hai nạn nhân đang điều trị tại Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (sinh năm 1983) và mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị Thái (sinh năm 1948), trú tại phường Hồng Sơn, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã ổn định sức khỏe và có thể xuất viện. Bé sơ sinh con của chị Nhàn được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng đã qua cơn nguy kịch, thở đều và có thể bú sữa mẹ.
Trước đó, sáng 25/11, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Nghệ An tiếp nhận bốn người trong một gia đình gồm: Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bố mẹ chị Nhàn là bà Nguyễn Thị Thái, ông N.C.T (75 tuổi) và bé sơ sinh (con chị Nhàn). Các nạn nhân được chẩn đoán là ngộ độc khí than, trong đó ông N.C. T. được xác định tử vong trước khi nhập viện.
Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khó thở, tức ngực, gọi hỏi kém đáp ứng, rối loạn ý thức. Kết quả xét nghiệm cho thấy, các bệnh nhân đều có chỉ số oxy trong máu thấp, nồng độ CO cao. Sau khi được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho thở oxy cao áp, truyền dịch giúp các nạn nhân ổn định sức khỏe, các nạn nhân đã được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Theo người thân gia đình các nạn nhân chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn mới sinh, trời lạnh nên gia đình có đốt than trong nhà để sưởi ấm và dẫn đến việc ngạt khí CO. Bác sỹ CK1 Nguyễn Xuân Kính, Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An cho biết: Vào mùa đông hàng năm, bệnh viện đều tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho các nạn nhân bị ngạt khí CO do sưởi ấm bằng than củi, than tổ ong.
Bác sỹ Nguyễn Xuân Kính khuyến cáo: Vào mùa giá rét, người dân cần đặc biệt thận trọng với việc dùng các thiết bị sưởi ấm bằng than tổ ong, than củi khi đóng kín cửa. Do than cháy trong điều kiện thiếu không khí sẽ tạo ra khí cực độc là Cacbon monoxit (CO). Đây là một chất khí không màu, không mùi, bắt cháy và có độc tính cao. Nạn nhân khi hít phải khí này nặng sẽ tử vong, nhẹ hơn thì để lại di chứng về thần kinh.