Bài cuối: Con người là trung tâm mọi chính sách phát triển

Những thành tựu trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, thực hiện các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ II mà Việt Nam đã chấp thuận trong thời gian qua đã thể hiện cam kết mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước với con người là mục tiêu, động lực và trung tâm trong mọi chính sách.

Chú thích ảnh
Ngày 28/11/2018, TP Hồ Chí Minh ra quân tuyến xe buýt màu cam, đặc trưng của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế

Tiếp tục phát huy những bước phát triển mới về thể chế, pháp luật và chính sách, nỗ lực vượt qua các thách thức, thông qua thực hiện “Chính phủ kiến tạo vì người dân” và thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam cam kết tiếp tục phấn đấu không ngừng để bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn quyền con người. Việt Nam mong muốn đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với các nước trong Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ III và tích cực xem xét các khuyến nghị, nhất là các khuyến nghị hướng tới các vấn đề mà Việt Nam ưu tiên, phù hợp với nguồn lực hiện có và điều kiện, tình hình cụ thể của Việt Nam.

Hiện Việt Nam đã là thành viên của 7/9 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập Công ước về người mất tích cưỡng bức và Công ước về Quyền của người lao động di cư và thành viên gia đình họ.

Đến nay, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia thực thi Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; Báo cáo Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Báo cáo Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Báo cáo Công ước về Quyền trẻ em; Báo cáo đầu tiên thực hiện Công ước về Quyền của Người khuyết tật (2018) và Báo cáo đầu tiên thực hiện Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (năm 2017) và  gửi Báo cáo quốc gia thực hiện Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc vào Quý IV/2018.

Việt Nam tham gia tích cực các phiên đối thoại với các Ủy ban Công ước và nghiêm túc xem xét các khuyến nghị. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Công ước về quyền trẻ em (năm 2014) và Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (năm 2017).

Để bảo đảm quyền cho người lao động, kể từ khi là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 1992, Việt Nam đã gia nhập 21 công ước của ILO, trong đó có 5 công ước cơ bản của ILO, bao gồm các công ước số 29, 100, 111, 1 và 182. Kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã phê chuẩn thêm Công ước số 187 về cơ chế tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động (tháng 5/2014). Với 3 công ước cơ bản còn lại của ILO, Việt Nam dự kiến hoàn tất công tác nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước 98 và Công ước 105 vào năm 2019; đồng thời nghiên cứu khả năng tham gia Công ước 87 từ nay đến năm 2020. Việt Nam dự kiến hoàn tất hồ sơ trong năm 2018 về xem xét khả năng gia nhập Công ước 88 về Tổ chức dịch vụ việc làm; Công ước 159 về Phục hồi chức năng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.

Coi trọng hợp tác đối thoại

Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, tham gia có trách nhiệm vào các cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc, trong đó có Hội đồng Nhân quyền (2014 -2016), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (2016-2018), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019); thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, ủng hộ đối thoại và hợp tác, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và có nhiều đóng góp, sáng kiến được ghi nhận tại các cơ quan này.

Việt Nam coi trọng hợp tác, đối thoại với Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Thủ tục Đặc biệt và quy tắc thủ tục của Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần minh bạch, hiệu quả, cân bằng. Việt Nam tích cực tham gia đóng góp tại các phiên Đối thoại với cơ chế này tại Hội đồng Nhân quyền. Đặc biệt, kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã đón các Báo cáo viên Đặc biệt về quyền văn hóa (tháng 11/2013), Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo, tín ngưỡng (tháng 07/2014), Báo cáo viên Đặc biệt về quyền lương thực (tháng 11/2017). Trong các chuyến thăm trên, Báo cáo viên các Thủ tục Đặc biệt đã ghi nhận nỗ lực, thành tựu của Việt Nam, sự hợp tác, trao đổi thẳng thắn của các cơ quan Chính phủ, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ và đã đưa ra những khuyến nghị hữu ích cho công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam và các nước ASEAN đang tích cực lồng ghép quyền con người trong tất cả các trụ cột của cộng đồng ASEAN “dung nạp, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm”. Việt Nam và các nước ASEAN đang triển khai Kế hoạch công tác 5 năm giai đoạn 2015-2020 của Cơ quan liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền, Kế hoạch công tác của Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN giai đoạn 2016-2020; đã thông qua Kế hoạch hành động khu vực về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (21/11/2015), Văn kiện đồng thuận ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động di cư (14/11/2017), Tuyên bố chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh (năm 2017) và dự kiến hoàn thành Kế hoạch lồng ghép quyền của người khuyết tật trong cộng đồng ASEAN trong năm 2018.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, tham gia Kế hoạch hành động Bohol về chống mua bán người (2017-2020), tích cực tham gia vào Tiến trình Bali và Tiến trình COMMIT về phòng chống đưa người di cư trái phép qua biên giới. Bên cạnh đó, Việt Nam ký thỏa thuận song phương với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Lào trong phòng chống buôn bán người xuyên biên giới.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền phòng chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Trong thời gian tới, Việt Nam cam kết đẩy mạnh hơn nữa thực hiện phát triển bền vững thông qua thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và Mục tiêu Phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs), trong đó chú trọng các chính sách giảm bền vững nghèo đa chiều, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực địa lý, các nhóm dân cư, trong đó đặc biệt chú trọng các nhóm dễ bị tổn thương. Trong đó, Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng để giảm thiểu bất bình đẳng về tiếp cận với các dịch vụ liên quan đến quyền con người, an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng giới.

Những nội dung quan trọng trong hướng ưu tiên này là bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân, nâng cao chất lượng và độ phổ cập của dịch vụ; đẩy mạnh sự tham gia đóng góp của khu vực phi nhà nước vào việc cung cấp các dịch vụ này. Việt Nam sẽ tập trung các chính sách để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của các nhóm dễ bị tổn thương, nghiên cứu khả năng phát triển loại hình bảo hiểm nông nghiệp, là lĩnh vực tập trung nhiều lao động hiện nay.

 Việt Nam ưu tiên bảo đảm quyền giáo dục và tăng cường giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân theo quy định của pháp luật Việt Nam và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người.

Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường đối thoại thực chất và hợp tác hiệu quả với tất cả các quốc gia, các cơ chế Liên hợp quốc có liên quan đến quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, không can thiệp công việc nội bộ, hướng tới việc mang lại lợi ích thực chất, tăng cường thụ hưởng quyền cho người dân trên thực tế.

Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ đối với các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; nghiên cứu, chuẩn bị tham gia các Công ước quốc tế khác về quyền con người. Việc đối thoại, hợp tác và xem xét mời các Thủ tục Đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền cũng sẽ được tiếp tục quan tâm trong thời gian tới. Việc ứng cử vào các cơ quan của Liên hợp quốc có vai trò quan trọng trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh hoặc trực tiếp liên quan đến việc thụ hưởng quyền con người cho mọi người dân trên thế giới cũng là một nội dung quan trọng trong hướng ưu tiên này của Việt Nam…

Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN)
Bài 2: Bảo đảm an sinh xã hội, mục tiêu và động lực phát triển quyền con người
Bài 2: Bảo đảm an sinh xã hội, mục tiêu và động lực phát triển quyền con người

Sự ra đời của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền và luôn thực hiện nghiêm túc đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN