Thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với tỉnh Bắc Giang rất nặng nề. Đến ngày 23/9, bão số 3 đã làm 2 chết, 15 người bị thương. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là lĩnh vực nông, lâm nghiệp (trên 4,1 nghìn tỷ đồng); tập trung tại các huyện Sơn Động, Lục Ngạn.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả bão và mưa, lũ sau bão như: Một số người dân chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng trong phòng, chống lũ. Việc chủ động phát quang mái đê, mái kè, cửa cống; tuần tra canh gác để sớm phát hiện các sự cố đê điều tại một số địa phương chưa đúng quy định phải có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...
Từ thực tiễn công tác phòng, chống bão số 3, các đại biểu đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm như: Khi có cảnh báo, dự báo xảy ra bão, mưa lớn, lũ cao, ngập lụt (cấp độ rủi ro do thiên tai từ cấp độ 3 trở lên) cần khẩn trương có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, nhất quán, quyết liệt, phản ứng linh hoạt của các cấp chỉ huy, nhất là trong việc sơ tán nhân dân khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Khi thiên tai xảy ra, không mất bình tĩnh trước các tình huống ngoài mong đợi; quán triệt và tổ chức ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động được sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tỉnh tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa, lũ sau bão; thực hiện sáng tạo, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Địa phương tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập, trạm bơm; sẵn sàng phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; nghiên cứu phương án sống chung với lũ tại những vùng trũng, thấp.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu đề nghị, HĐND cấp tỉnh, huyện nghiên cứu, có thể ban hành những chính sách đặc thù của địa phương, phù hợp với quy định của pháp luật để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão. “Chúng ta vẫn hay nói nông nghiệp là trụ đỡ, là nền tảng của sự phát triển. Tới đây, chúng ta cũng cần tính toán lại cơ cấu đầu tư trên các lĩnh vực, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, củng cố các hồ đập, trạm bơm, đê điều, bảo đảm sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn”- ông Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh.