Nguy cơ mất cân đối quỹ BHYT
Theo ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, tính toán của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cho thấy, đến năm 2020, quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối. Tuy nhiên, với cơ chế giữ nguyên đầu vào của quỹ BHYT, nhưng lại mở rộng “đầu ra” khi tăng nhiều quyền lợi cho người tham gia, khả năng mất cân đối quỹ là không thể tránh khỏi. Luật BHYT 2014 đã mở ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT như: Chính sách thông tuyến quy định giảm và bỏ cùng chi trả với một số nhóm đối tượng, nên tác động không nhỏ đến quỹ BHYT, khiến số chi từ quỹ BHYT tăng lên và khó khăn hơn trong kiểm soát chi phí.
"Bất kỳ quốc gia, thể chế nào cũng mong muốn người dân được thụ hưởng nhiều phúc lợi, chính sách tốt. Đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHYT, đi đôi với sử dụng quỹ BHYT hợp lý, tiết kiệm là cần thiết. Nhưng, câu hỏi đặt ra trong xây dựng cũng như thực hiện chính sách hiện nay là "tiết kiệm như thế nào để đảm bảo các mục tiêu trên?” - ông Bùi Sỹ Lợi nêu vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định: Bên cạnh việc mở rộng bao phủ BHYT, người bệnh cũng đang ngày càng hài lòng hơn với chất lượng dịch vụ y tế (DVYT). Tuy nhiên, riêng về vấn đề cân đối quỹ BHYT, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, trong năm 2017, số chi KCB BHYT lớn hơn số thu khoảng 8.847 tỉ đồng; dự kiến năm 2018, con số chênh lệch sẽ vào khoảng 3.528 tỉ đồng. Số tăng chi sẽ tăng nhanh hơn nữa, khi giá dịch vụ KCB BHYT tính đầy đủ chi phí theo lộ trình, kết cấu thêm cả chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định...
Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng cân đối quỹ BHYT gồm: Mức đóng BHYT không thay đổi, trong khi đã có sự điều chỉnh về mức hưởng, phạm vi quyền lợi BHYT, thông tuyến và điều chỉnh giá DVYT theo lộ trình. Về tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, trong năm qua, Bộ Y tế đã tăng cường chấn chỉnh, kiểm soát; song vẫn còn tồn tại nhiều biểu hiện như: Chỉ định sử dụng thuốc bổ trợ, DVKT, VTYT nhiều hơn mức cần thiết so với yêu cầu chuyên môn, chưa tính đến yếu tố chi phí - hiệu quả; chỉ định sử dụng một số dịch vụ xét nghiệm, thăm dò chức năng chưa cần thiết, chỉ định rộng rãi các DVKT y học cổ truyền trong phục hồi chức năng; cho người bệnh nhập viện điều trị khi tình trạng bệnh có thể điều trị ngoại trú...
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cũng cho biết: Năm 2017, sau khi tất cả các tỉnh thực hiện đầy đủ giá DVYT có kết cấu tiền lương, hầu hết các tỉnh đều bội chi quỹ BHYT.
Ông Phạm Lương Sơn cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Quy định về quỹ KCB BHYT được xác định theo số thẻ đăng ký ban đầu tại cơ sở KCB và cân đối với cả phần chi KCB tại cơ sở y tế khác - tuy nhiên đã không còn phù hợp khi thực hiện thông tuyến KCB BHYT. Việc chỉ định, thanh toán chi phí KCB không gắn chặt với trách nhiệm của cơ sở y tế trong quản lỷ, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT. Người dân tiếp cận DVYT ngày càng thuận lợi, quyền lợi hưởng BHYT ngày càng được mở rộng, giá DVYT tăng trong khi mức đóng BHYT chưa thể điều chỉnh.
Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ tài chính tạo sức ép lớn đối với các cơ sở y tế. Việc chỉ định quá mức cần thiết các DVYT; chỉ định bệnh nhẹ vào nội trú và kéo dài thời gian nằm viện xảy ra ở hầu hết các BV, đặc biệt là tuyến huyện; giá thuốc và vật tư y tế (VTYT) chưa được kiểm soát tốt; tình trạng lựa chọn sử dụng thuốc cùng tiêu chí kỹ thuật, khác hàm lượng có giá cao bất thường; lựa chọn VTYT đắt tiền còn phổ biến.
Cần minh bạch bài toán chi phí
Đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng, cân đối quỹ BHYT, Bộ Y tế đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng DVYT cơ sở, kiểm soát dịch vụ, giảm chi cho quỹ BHYT; giảm chi tiền thuốc, VTYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT…
Đặc biệt, theo Bộ Y tế, cần rà soát lại việc giao tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp thuộc địa phương quản lý. Không giao đồng loạt cho các đơn vị sự nghiệp y tế theo loại tự đảm bảo chi thường xuyên, mà chỉ yêu cầu tự chủ với những đơn vị đủ điều kiện cân đối được thu - chi, tránh tình trạng áp lực cho các đơn vị phải tự đảm bảo nguồn chi lương, dẫn đến khả năng tăng chỉ định dịch vụ, kỹ thuật cho người bệnh...
Theo các chuyên gia về an sinh xã hội, cả hai ngành Y tế và BHXH đều đặt ra mục tiêu hiện đại hóa CNTT và đã được ưu tiên đầu tư thực hiện, nhưng đến nay vẫn “trục trặc”. Tại sao có những cơ sở KCB, thậm chí tại các địa phương có điều kiện rất thuận lợi như Hà Nội, TP.HCM vẫn chậm chạp trong việc đẩy dữ liệu KCB BHYT lên Cổng giám định của BHXH Việt Nam, trong khi đây là việc làm cần thiết để minh bạch chi phí?...
Đặc biệt nhấn mạnh giải pháp nâng cao kiểm soát chất lượng dịch vụ, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một trong các nguyên nhân gây mất cân đối quỹ BHYT chính là một số DVYT đang được cung cấp với tiêu chuẩn quá cao so với khả năng chi trả và nguồn lực hiện có, theo kiểu "nghèo mà tiêu hoang". Dường như, ngành Y tế quá "ưu ái" cho các kỹ thuật cao, với chi phí gấp nhiều lần so với các DVYT thông thường được cung cấp cho số đông bệnh nhân...
Do đó, theo đề nghị của ông Bùi Sỹ Lợi, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam xây dựng báo cáo đầy đủ về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT, trong đó phải đề ra các giải pháp phát triển đối tượng bền vững. Trên cơ sở đó, phân tích rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể cân đối quỹ BHYT…