Báo Bloomberg: Doanh số bia của Việt Nam giảm 25% sau khi Nghị định 100/CP được ban hành

Việc Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định mới cấm sử dụng bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông đang dẫn tới những ảnh hưởng tức thì đối với một trong những thị trường tiêu thụ bia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: financialexpress

Báo Bloomberg cho biết doanh số bán bia của Việt Nam đã giảm ít nhất 25% kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có hiệu lực từ 1/1/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã xử phạt hơn 6.200 trường hợp vi phạm lệnh cấm. 

Các công ty sản xuất bia tại Việt Nam phải đồng loạt giảm giá để thúc đẩy nhu cầu mua trước dịp Tết Nguyên đán.

Theo Bloomberg, động thái quyết liệt từ Chính phủ Việt Nam đối với vấn nạn bia rượu nhằm ngăn chặn các trường hợp gây tai nạn giao thông đã khiến nhiều người ngạc nhiên và thay đổi. Kể từ năm 2004, lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng gần gấp 4 lần, thu hút nhiều nhà sản xuất bia toàn cầu từ Heniken NV cho đến Anheuser-Busch InBev để tìm kiếm nguồn tăng trưởng.

Theo quy định mới, người lái xe mô tô có thể chịu mức phạt lên tới 8 triệu đồng – gấp đôi so với mức phạt trước – và bị tước bằng lái 2 năm thay vì 5 tháng. Trong khi đó, những người lái xe ô tô hoặc xe tải khi bị phát hiện vi phạm luật cấm bia rượu có thể đối mặt với án phạt lên tới 40 triệu đồng và tước bằng lái vĩnh viễn. Luật mới cũng quy định các hình thức quảng cáo đồ uống có cồn phải có thêm cảnh báo sức khỏe và các cửa hàng phải dán thông báo cấm bán đồ uống có cồn cho trẻ dưới 18 tuổi.

Các quan chức y tế cho biết lượng tiêu thụ đồ uống có cồn tăng cao tại Việt Nam đang gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 79.000 ca tử vong liên quan đến đồ uống có cồn.

Phản ứng trước động thái mới của chính phủ, Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam (VBA) mặc dù ủng hộ luật cấm nghiêm ngặt hơn để khuyến khích người dân uống có trách nhiệm song vẫn cho rằng các hình phạt có lẽ hơi nặng, Chánh Văn phòng VBA Lương Xuân Dũng cho hay.

Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, sự tăng trưởng trong tầng lớp trung lưu và dân số trẻ đã giúp mức tiêu thụ bia tại Việt Nam tăng tới 284% trong giai đoạn 2004-2018. Đây cũng đóng vai trò là một tác nhân thúc đẩy Thai Beverage bỏ 4,8 tỷ USD để mua lại Công ty rượu bia Sài Gòn 2 năm trước. Chỉ trong 5 năm từ 2013 đến 2018, Việt Nam – quốc gia sản xuất bia lớn thứ ba ở châu Á-Thái Bình Dương xét về tổng khối lượng - đã chứng kiến mức tiêu thụ bia bình quân mỗi gia đình tăng 30%, lên mức 43 lít/hộ.

Rõ ràng quy định mới về bia rượu cũng ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các hàng quán bán bia. Theo ông Vũ Tú Thành - đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam, người dân vốn một thời gian dài đã quen với việc có thể uống bia bất kỳ lúc nào, “uống mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ khi nào họ muốn”. Tuy nhiên, ông Thành nhận định nếu như quy định được thi hành một cách nghiêm ngặt và người dân thực hiện nghiêm túc, hình ảnh Việt Nam sẽ được cải thiện không chỉ trong đánh giá của người nước ngoài mà còn trong mắt người dân trong nước.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Dịch vụ chở người say rượu, bia - nghề kiếm bộn tiền ở Bắc Kinh, Trung Quốc
Dịch vụ chở người say rượu, bia - nghề kiếm bộn tiền ở Bắc Kinh, Trung Quốc

Luật cấm người uống rượu bia điều khiển phương tiện giao thông đã làm "nở rộ" dịch vụ chở người say rượu, bia ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Đây được xem là một nghề "hái" ra tiền ở thành phố này với thu nhập trung bình hằng tháng của một "xế" vào khoảng 12.000 Nhân dân tệ (NDT - tương đương 1.742 USD). 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN