Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 300.000 công nhân lao động đang làm việc trong các đơn vị, doanh nghiệp. Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, để đảm bảo chất lượng bữa ăn cho công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã cử nhiều đoàn cán bộ xuống trực tiếp doanh nghiệp, phối hợp với công đoàn cơ sở và các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của các bếp ăn tập thể. Qua đó, tuyên truyền để doanh nghiệp và người lao động nhận thức được tác hại của dịch bệnh đang lây lan khá nhanh trên địa bàn, từ đó có những biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn vệ sinh trong bữa ăn cho công nhân.
Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta Thanh Hóa (địa chỉ thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện có khoảng 2.700 công nhân lao động làm việc. Với số công nhân lao động tương đối đông, việc tổ chức bếp ăn tập thể cho người lao động tại công ty không phải việc dễ làm trong bối cảnh vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều nhức nhối. Tuy nhiên, với phương châm “Coi sức khỏe của công nhân là tài sản của doanh nghiệp”, Ban Lãnh đạo Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta Thanh Hóa đã thực sự quan tâm, đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho công nhân lao động, thông qua việc xây dựng bếp ăn tập thể an toàn, chuyên nghiệp.
Đưa chúng tôi đi tham quan khu vực nhà bếp của công ty, chị Lại Thị Bốn, Trưởng phòng phục vụ đời sống, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta Thanh Hóa cho biết: Ngay sau khi có thông tin dịch tả lợn Châu phi xuất hiện tại Thanh Hóa và tiếp tục lây lan khá nhanh, Ban Lãnh đạo công ty đã hết sức lo lắng, bởi thịt lợn là nguồn thực phẩm chính trong thực đơn ăn hàng tuần của công nhân lao động. Mặc dù lâu nay, nguồn thịt lợn đưa vào bếp ăn được công ty ký hợp đồng với đơn vị rất có uy tín về an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuy nhiên nắm được tâm lý của đa phần công nhân còn “dè chừng” với thịt lợn và các sản phẩm từ lợn, nên thời gian đầu sau khi xuất hiện dịch, công ty tạm dừng thịt lợn trong khẩu phần ăn và thay thế bằng những thực phẩm khác như: cá, trứng, thịt gà, bò, ngan, lạc, đậu, vừng… có tăng cường thêm rau, củ, quả để cân đối bữa ăn cho công nhân…
Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác tuyên truyền để công nhân có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây lan cả ở công ty và trong gia đình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền đề công nhân biết, dịch tả lợn châu Phi không lây sang người và đối với những sản phâm thịt lợn an toàn, đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng, có nguồn gốc, xuất xứ thì vẫn sử dụng bình thường để người lao động không “tẩy chay” và “quay lưng” với sản phẩm thịt lợn.
Đến nay, sau gần 1 tháng xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, công ty đã bắt đầu sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của công nhân, tuy nhiên ở mức độ hạn chế, từ 3 bữa/tuần, xuống còn 1 đến 2 bữa/tuần. Hàng ngày công ty cử cán bộ công đoàn xuống nhà bếp kiểm soát việc đưa thực phẩm vào. Không chỉ thịt lợn mà các sản phẩm khác cũng được kiểm soát chặt chẽ. Tất cả đều phải có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không nhập sản phẩm không có nguồn gốc. Đối với các sản phẩm khác phải đảm bảo tươi ngon. Công ty tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đông lạnh để chế biến món ăn cho công nhân. Hàng ngày, nhà bếp có trách nhiệm lưu mẫu món ăn để kiểm tra, kiểm soát.
Chị Hoàng Thị Hương, công nhân xưởng may 3, Công ty cổ phần dụng cụ thể thao Delta Thanh Hóa cho biết: Cũng như nhiều người dân khác, công nhân lao động chúng tôi rất hoang mang khi thông tin dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ công đoàn tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy, dịch tả lợn Châu Phi không đáng sợ như mình nghĩ trước đó và nếu có ý thức trong việc phòng, chống, vệ sinh hàng ngày thì có thể ngăn chặn không bị lây lan. Từ đó, chúng tôi cũng yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm thịt lợn trong các bữa ăn ca. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn và tin tưởng Ban Lãnh đạo công ty tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát để thực phẩm “bẩn” không có cơ hội tuồn vào các bếp ăn tập thể, để người lao động yên tâm gắn với lâu dài với doanh nghiệp…
Với số lượng trên 4.000 công nhân lao động, trong đó 100% công nhân ăn ca trong bếp ăn của công ty, thời điểm này, Công ty TNHH Ny Hoa Việt (xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) cũng đang siết chặt hơn nữa công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân.
Anh Lưu Quang Quyền, Trưởng phòng Tổng vụ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ny Hoa Việt cho biết: trong bối cảnh rất nhiều công ty không dám tổ chức bữa ăn ca cho công nhân vì lo ngại nhiều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức, thì công ty Trách nhiệm hữu hạn Ny Hoa Việt vẫn đang làm rất tốt việc tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân ngay tại công ty. Để tổ đáp ứng hơn 4.000 suất ăn cho công nhân mỗi ngày, hàng tháng chúng tôi đều có kế hoạch rõ ràng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận nên trong quá trình tổ chức rất bài bản, chuyên nghiệp. Toàn bộ thực phẩm đưa vào bếp ăn đều được công ty ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thực phẩm sạch, có cán bộ kiểm tra, giám sát hàng ngày, nên đảm bảo an toàn chất lượng.
Thực phẩm sạch, nhưng khâu chế biến không đảm bảo thì rủi ro cũng rất cao, nên chúng tôi quán triệt bộ phận nhà bếp coi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ hàng đầu. Do vậy, sau mỗi buổi ăn ca, khu vực nhà bếp và các dụng cụ phục phụ đều được dọn rửa sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày mai. Với cách làm đó, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, việc tổ chức bữa ăn ca cho công nhân tại công ty được công nhân đánh giá cao.
Anh Nguyễn Văn Được, công nhân bộ phận kho, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ny Hoa Việt cho biết: Đời sống của công nhân ngày càng được cải thiện và nâng cao, do vậy ăn nhiều, ăn no không còn là vấn đề quan tâm, mà quan trọng là đồ ăn phải sạch, đảm bảo chất lượng thì chúng tôi mới yên tâm. Do vậy, rất mong Ban Lãnh đạo công ty quyết liệt hơn nữa để bữa ăn của công nhân lao động được đảm bảo…
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 633 doanh nghiệp tổ chức cho công nhân ăn ngay tại công ty. Trước những diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có công văn hướng dẫn cho các cấp công đoàn phối hợp với doanh nghiệp nắm sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch tổ chức bữa ăn cho công nhân hợp vệ sinh và đảm bảo chất lượng. Theo đó, Công đoàn cử cán bộ các ban xuống cơ sở ngoài nắm bắt hoạt động chung, còn tuyên truyền lồng ghép để doanh nghiệp nâng cao hơn nữa vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong bữa ăn của công nhân. Qua giám sát, hiện việc tổ chức bếp ăn tại các vẫn diễn ra bình thường, ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm được nâng cao. Công nhân lao động yên tâm lao động, sản xuất…