Ông Bùi Văn Son, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết, Vườn Quốc gia Tràm Chim là khu vực có diện tích lâm nghiệp lớn nhất tại tỉnh Đồng Tháp với hơn 7.310 ha. Trong đó, diện tích rừng trên 2.500 ha (chiếm 34,4%), chủ yếu là cây tràm và các loại thực bì dễ cháy, 2/3 diện tích rừng còn lại chủ yếu là cỏ. Đây là đặc điểm của rừng xen, thoáng nên nguy cơ cháy sẽ dễ xảy và khả năng cháy lan cao so với tán rừng dày đặc.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim, dân số vùng đệm khoảng 60.000 người, hộ nghèo chiếm 29%, đời sống còn nhiều khó khăn nên thường xuyên xâm nhập trái phép vào rừng để đánh bắt thủy sản, lấy mật ong, câu lưới, săn bắt chim, chăn thả gia súc; tình hình tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, lớp thực bì dày đặc, cành nhánh xác bả thực vật tích tụ nhiều năm nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Hiện tại, theo đánh giá của ngành chuyên môn, dự báo mức độ cháy rừng của vườn ở phân khu A4, A5 cấp ở cấp IV - cấp nguy hiểm có khả năng cháy lớn, các phân khu còn lại dự báo cháy cấp III (cấp có nguy cơ cháy cao).
Ông Nguyễn Thế Hanh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, nhận định tình hình diễn biến của thời tiết, ngay từ đầu năm 2019, Vườn Quốc gia Tràm Chim đã có bước chủ động phòng chống cháy rừng mùa khô. Đơn vị quản lý rừng đã tiến hành nạo vét các tuyến kênh, ao khu vực vùng đệm, thực hiện việc điều tiết nước, giữ lưu lượng nước và bơm nước vào trong vườn để hạn chế cháy và đảm bảo phục vụ công tác dập lửa khi xảy ra cháy.
Ngoài ra, các phương án trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng được triển khai theo phương châm 4 tại chỗ. Theo đó, Ban Quản lý rừng phân công cán bộ tổ chức trực phòng cháy chữa cháy rừng tại 21 trạm và 1 lều trại, 7 đài quan sát, đảm bảo trực 24/24 trong các tháng cao điểm mùa khô để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu cháy.
Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa cháy tại chỗ (khoảng 80 người), máy móc của Vườn Quốc gia có thể ứng phó và dập lửa, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Đặc biệt, vào cao điểm nắng nóng đầu tháng 3/2019, Vườn Quốc gia còn tiếp nhận 60 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và bố trí tại các địa bàn trọng yếu.
Vườn Quốc gia Tràm Chim đã lắp đặt 8 camera quan sát, một flycam và hai camera hành trình để tăng cường cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Đồng thời, để hạn chế cháy rừng là do tác động từ con người, đơn vị đã ra thông báo nghiêm cấm việc xâm nhập vào rừng trái pháp luật thông qua việc xâm nhập trái phép vào rừng.
Mặt khác, Vườn Quốc gia Tràm Chim thường xuyên vận động, làm công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân vùng đệm trong việc chung tay bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các khu vực rừng đang ở mức dự báo cháy từ cấp III đến cấp V. Trong đó, ba khu vực rừng có khả năng cháy lớn và lan nhanh, cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) như: Khu vực rừng Phòng hộ biên giới thuộc Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959; khu vực cập kênh Hội Kỳ Nhất thuộc rừng Phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười và hai khu vực phía rừng tràm ở phía sau Khu quản lý Di tích cấp quốc gia đặc biệt Gò Tháp.