Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa nay (16/7) bão Rammasun đã vượt qua kinh tuyến 120 độ kinh Đông đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 trong năm nay.
Hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông Đông Nam . Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24 giờ tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 10 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
Hình ảnh mây vệ tinh của cơn bão số 2. Ảnh: nchmf.gov.vn |
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 10 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông Biển Đông, có gió mạnh cấp 9, cấp 10, sau tăng lên cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17/7) có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, đây là một cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh và có diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin tiếp theo.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 6h ngày 16/7, lực lượng Biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 70.596 tàu với 290.771 lao động biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Cụ thể là khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) và giữa Biển Đông có 252 tàu với 2.715 lao động, trong đó khu vực quần đảo Hoàng Sa có 60 tàu với 611 lao động (giảm 19 tàu với 170 lao động so với ngày 15/7 do đã di chuyển vào bờ tránh bão), gồm: (Quảng Bình có 15 tàu với 137 lao động, Đà Nẵng có 4 tàu với 39 lao động, Quảng Ngãi có 13 tàu với 155 lao động, Bình Định có 23 tàu với 235 lao động, Khánh Hòa có 5 tàu với 45 lao động); khu vực giữa Biển Đông có 192 tàu với 2.104 lao động, trong đó: (Quảng Nam có 20 tàu với 809 lao động, Bình Định có 172 tàu với 1.295 lao động). Ở các khu vực khác và neo đậu tại bến có 70.344 tàu với 288.056 lao động.
Để chủ động đối phó với bão, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã có Công điện số 05/CĐ-TW hồi 18h00 ngày 15/7 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm Cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; các tỉnh Bắc Bộ và các Bộ, ngành yêu cầu chủ động triển khai các biện pháp đối phó với bão.
Hiện Bộ Quốc Phòng, Giao thông Vận tải, Công An, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện chỉ đạo các địa phương và đơn vị trong ngành triển khai các biện pháp đối phó với bão. Bộ Ngoại Giao đã có Công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc, Philippines và văn phòng đại diện của Đài Bắc đề nghị hỗ trợ cho ngư dân tránh trú bão và cứu nạn khi có sự cố xảy ra.
Các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên và thành phố Hồ Chí Minh đã có Công điện, thông báo gửi các Sở ngành và địa phương triển khai công tác đối phó với bão.
Thanh Tuấn