Tới nay, Dự án đã phát hiện được hai loài Cu li, trong đó loài Cu li Nhỏ ghi nhận 11 cá thể được phân bố tại tiểu khu 499, 489, 501, 515, 520, 521; loài Cu li Lớn ghi nhận 3 cá thể tại tiểu khu 489, 494, 500.
Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên Đỗ Ngọc Dương cho hay, trong thời gian thực hiện dự án, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã điều tra, xác định được hiện trạng, sinh cảnh sống, các loại thức ăn và xây dựng bộ bản đồ hiện trạng phân bố, các tuyến điều tra của loài Cu li. Ban Quản lý cũng xác định được các mối nguy cơ đe dọa loài gồm săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, chăn thả gia súc tự do trong rừng; từ đó xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, chuyển giao lại cho người dân để hạn chế các mối đe dọa cho loài thú Cu li. Cùng với đó, Ban Quản lý tổ chức các hội nghị tuyên truyền, mở các lớp tập huấn tại 11 thôn cho 0 hộ dân về tầm quan trọng của loài Cu li quý hiếm, qua đó xây dựng được kế hoạch hành động, các giải pháp bảo tồn khẩn cấp các loài Cu li.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên sẽ xây dựng dự án bảo tồn dài hạn loài Cu li, trong đó chú trọng việc tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ giám sát, chương trình điều tra nghiên cứu ở thực địa. Ban Quản lý Khu Bảo tồn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí để duy trì các hoạt động của các tổ giám sát, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng Xuân Liên; qua đó, nâng cao vai trò, chức năng phòng hộ đầu nguồn Sông Chu, cung cấp nước cũng như bảo vệ tuổi thọ cho hồ thủy lợi - thủy điện Cửa Đạt và đập Bái Thượng.
Các loài Cu li gồm Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus) và Cu li lớn (Nycticebus bengalensis) có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, cần được bảo tồn khẩn cấp.