Trải nghiệm “cứu hộ” rùa biển
Vườn quốc gia Núi Chúa hiện là khu vực hiếm hoi trên đất liền ở Việt Nam ghi nhận có quần thể rùa biển gồm rùa xanh, đồi mồi, đồi mồi dứa, trong đó loài rùa xanh đến sinh sản hằng năm. Đây đều là những loài nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Để bảo tồn rùa biển, từ năm 2000 đến nay, với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức trong, ngoài nước như Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Quỹ Môi trường toàn cầu, Viện Hải dương học, Vườn quốc gia Núi Chúa phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức, cộng đồng triển khai dự án bảo tồn, nghiên cứu về các loài rùa trong khu vực biển, tình trạng rùa lên bãi đẻ để xây dựng kế hoạch bảo vệ bãi đẻ, cứu hộ rùa biển.
Để bảo tồn rùa biển hiệu quả, những khu vực xuất hiện rùa biển lên bãi cát đào tổ đẻ trứng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt. Vườn quốc gia Núi Chúa thành lập các Tổ bảo vệ rùa biển là người địa phương, phối hợp với thành viên nhóm tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong nước tham gia, phân công trực hằng đêm, cứu hộ rùa mẹ lên bãi làm tổ, bảo vệ tổ rùa đẻ thành công và cứu hộ, thả rùa con về biển. Đồng thời, thành viên các tổ tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, khách du lịch, gia đình và cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển.
Hơn 4 năm tham gia hoạt động tình nguyện bảo tồn rùa biển, ông Nguyễn Văn Bình (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, các tình nguyện viên đều trải qua khóa tập huấn tìm hiểu về đặc tính sinh học, đời sống của rùa và phải có sức khỏe tốt thực hiện công việc. Vào mùa rùa biển lên đẻ trứng, các thành viên Tổ bảo vệ rùa biển đêm nào cũng gần như thức trắng tuần tra theo dõi, ghi nhận thông tin rùa biển lên bãi đẻ trứng, di dời tổ trứng có nguy cơ ngập nước do thủy triều, bảo vệ trứng và rùa con không cho các loài thiên địch phá hoại... Những cá thể rùa con sức yếu không ngoi lên được lớp cát, các thành viên hỗ trợ cứu hộ thả về biển an toàn.
Hè năm nay, chị Lê Thị Thu Hà, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cùng hai con nhỏ có những trải nghiệm khó quên sau khi tham gia chương trình thả rùa con về biển. Chị Hà cho biết, dù đã nhiều lần đến Ninh Thuận nhưng đây là lần đầu tiên chị được cùng các con tham gia hoạt động ý nghĩa này.
“Tôi đã từng xem phim, đọc sách về rùa biển nhưng khi tận mắt chứng kiến những chú rùa con bé xíu khao khát tìm đường về biển, tôi và các con cảm thấy vô cùng xúc động. Thông qua hoạt động này, tôi muốn các con mình hiểu hơn về sự quý giá của các loài sinh vật biển và cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng”, chị Hà chia sẻ.
Từ lúc nhận được chiếc gáo dừa đựng nước biển với chú rùa nhỏ xinh xắn từ các cô chú tình nguyện viên, em Phan Lê Hải Phong không rời mắt khỏi “em rùa” một giây phút nào. Cậu bé đến từ Thành phố Hồ Chí Minh ôm chặt chiếc gáo dừa bé xíu, lòng đầy hứng khởi: "Con thấy rất vui và thích thú với em rùa, con sẽ bảo vệ và thả em ra biển. Con sẽ học theo mấy em rùa để có thể bơi được như vậy", Phong vui vẻ nói.
Được biết, chương trình "Ẵm rùa con ra biển lớn" là một trong những hoạt động thường niên của nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam phối hợp với Vườn quốc gia Núi Chúa tổ chức. Tất cả tình nguyện viên, các em nhỏ tham gia chương trình đều được tìm hiểu rất kỹ về rùa biển trước khi tự tay đưa chúng về với biển. Sau khi thả rùa con, các em từ lớp 3 trở lên tham gia lớp học tìm hiểu tập tính của loài rùa biển, vượt qua bài kiểm tra sẽ được Vườn quốc gia Núi Chúa trao chứng nhận hoàn thành khóa học bảo tồn và cứu hộ rùa biển.
Ông Phùng Mỹ Trung, Nhà nghiên cứu sinh vật học, Trưởng nhóm Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam chia sẻ: "Với 14 chương trình học đa dạng, từ tiến hóa, hóa thạch đến các loài côn trùng, bò sát, lưỡng cư và rùa biển, chúng tôi mong muốn mang đến một thế giới sinh vật sống động và hấp dẫn cho các em. Mục tiêu của chúng tôi là gieo vào lòng các em tình yêu thiên nhiên sâu sắc và trang bị cho các em kiến thức cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam. Trong 10 năm qua, có hơn 2.000 gia đình tham gia cùng nhóm và hàng chục ngàn trẻ em đã được học hỏi và trải nghiệm. Khác với các hoạt động du lịch thuần túy, các chương trình của chúng tôi kết hợp giữa trải nghiệm thực tế và kiến thức khoa học, giúp các em trở thành những người nối tiếp bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai”.
Bên cạnh hoạt động tuần tra, cứu hộ rùa biển lên bãi đẻ vào ban đêm, ban ngày các tình nguyện viên nhóm "Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam" còn tham gia lớp dạy học tiếng Anh, Tin học cho trẻ em quanh vùng đệm Vườn quốc Núi Chúa. Thông qua chương trình dạy học, tình nguyện viên lồng ghép hoạt động giáo dục môi trường, bảo vệ các loài sinh biển, rùa biển, thu gom rác thải...
Nhiều giải pháp bảo tồn rùa biển
Ông Phạm Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Bảo tồn tài nguyên rừng và biển, Vườn quốc gia Núi Chúa cho hay, mùa rùa biển lên đẻ trứng thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó tháng 8 là đợt cao điểm sinh sản của rùa biển. Rùa mẹ thường lên bãi cát vào ban đêm rồi dùng hai chân trước bới cát thành một chiếc ổ rộng, dùng hai chân sau đào một hố nhỏ, sâu từ 30 - 40 cm để đẻ trứng vào hố. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lấp cát vào ổ đẻ tránh kẻ thù ăn mất trứng. Trong điều kiện thuận lợi, rùa mẹ đẻ trứng từ 1 - 2 giờ rồi quay trở về biển. Trường hợp điều kiện tự nhiên bất lợi, bãi cát khô, rùa mẹ phải dành nhiều thời gian hơn để đào tổ đẻ, có con quay trở lại biển đến hôm sau mới lên đào lại.
Mỗi lần, rùa mẹ đẻ từ 80 đến trên 120 quả trứng, thời gian trứng nở thành rùa con từ 47 đến trên 50 ngày, phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nếu nhiệt độ cao, thời gian trứng nở nhanh hơn, số lượng rùa cái sẽ nhiều hơn và ngược lại. Rùa con chui ra khỏi vỏ trứng và dùng hai chân trước bới cát bò lên khỏi mặt đất, lấy hết sức lao nhanh ra biển. Từ năm 2014 đến đầu tháng 8/2024, Vườn quốc gia Núi Chúa ghi nhận có 530 lượt rùa mẹ lên bãi bói tổ, có 173 ổ đẻ thành công, số rùa con thả về biển 11.349 con, ông Phạm Anh Dũng thông tin.
Theo Quyết định 1176/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Vườn quốc gia Núi Chúa là một trong những khu vực ưu tiên bảo vệ, phục hồi sinh cảnh, bãi đẻ cho các loài rùa biển.
Ông Trần Văn Khang, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa cho biết, đơn vị đang triển khai đồng bộ nhiều phương án, giải pháp để bảo vệ hiệu quả, bền vững các quần thể rùa biển và nơi sinh cư của chúng cùng các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm khác.
Cụ thể, Vườn xây dựng và duy trì vùng bảo vệ nghiêm ngặt rùa biển tại các bãi đẻ trong khu vực; xây dựng trạm bảo tồn rùa, thành lập tổ tình nguyện viên là người địa phương cùng hàng trăm tình nguyện viên đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia bảo vệ rùa biển. Đơn vị tăng cường phối hợp với tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học tập trung nâng cao kiến thức, kỹ năng bảo tồn, cứu hộ và cứu chữa rùa biển cho cán bộ, tình nguyện viên.
Vườn quốc gia Núi Chúa đẩy mạnh tuyên truyền để ngư dân địa phương khi gặp rùa lên bãi đẻ hoặc đi biển thấy rùa bị nạn báo ngay cho lực lượng cứu hộ; xây dựng mạng lưới các vùng biển trên đất liền tại Việt Nam để tiếp nhận cá thể rùa còn sống, đưa tới Khu Bảo tồn sinh vật biển của Vườn quốc gia Núi Chúa cứu hộ, chữa trị, nuôi huấn luyện, đảm bảo đủ điều kiện để rùa tự sinh sống được trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp Vườn quốc gia Núi Chúa tăng cường bảo vệ loài rùa biển; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ rùa biển, trứng và các bộ phận của rùa biển. Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về quản lý, bảo vệ, bảo tồn rùa biển.