Thống kê từ Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), trong 6 năm, từ năm 2018 – 2023, các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) đã cung cấp dịch vụ TGPL cho hơn 20.000 lượt trẻ em, trong đó khoảng 14.000 vụ việc tham gia tố tụng. Số vụ việc TGPL cho trẻ em ngày càng tăng lên, nhất là các vụ việc tham gia tố tụng, chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số lượt người được TGPL.
Theo đại diện Cục Trợ giúp pháp lý, các vụ việc TGPL cho trẻ em (bao gồm trẻ em khuyết tật, trẻ em bị bạo lực…) đều được đánh giá đạt chất lượng khá và tốt, có nhiều vụ việc đạt hiệu quả cao. Người thực hiện TGPL cho trẻ em thường là những người có kinh nghiệm, chuyên môn và am hiểu tâm lý trẻ. Các quan điểm, lập luận bào chữa, bảo vệ của người thực hiện TGPL được công an, viện kiểm sát, tòa án ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ việc. Từ đó kịp thời bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ việc một cách tốt nhất.
Nhằm giúp trẻ em có điều kiện tiếp cận sớm với dịch vụ TGPL khi có nhu cầu, các Trung tâm TGPL nhà nước đang triển khai các nội dung về trực TGPL trong điều tra hình sự 24/24 giờ, trực tại Tòa án nhân dân, xây dựng điểm cầu Trung tâm TGPL và tham gia phiên tòa trực tuyến. Cùng với đó, việc Trung tâm TGPL phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan như Hội Bảo vệ trẻ em, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Lao động -Thương binh và xã hội… trong trợ giúp pháp lý cho trẻ em ngày càng được quan tâm.
Tại tỉnh Thái Nguyên, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó nội dung về TGPL luôn được quan tâm triển khai với các hoạt động cụ thể. Trung bình mỗi năm, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lưu động từ 50 - 70 điểm. Trong đó, phần lớn được thực hiện tại các xã, xóm thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Song song với đó, Trung tâm còn phối hợp với các địa phương, cơ quan công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và TGPL với cho học sinh tại nhiều trường học trên địa bàn với chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường, ma túy trường học, phòng chống xâm hại trẻ em”.
Để bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, Trung tâm cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng cho các đối tượng là trẻ em và người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự. Ngoài ra, các trợ giúp viên, luật sư còn tham gia bào chữa cho đối tượng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị buộc tội. Hoạt động TGPL đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là trẻ em, trẻ vị thành niên…
Tỉnh Lào Cai cũng đã chủ động ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2030. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Lào Cai tổ chức các hoạt động TGPL trong phạm vi, lĩnh vực được phân công, chú trọng hoạt động tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tất cả các em trên địa bàn tỉnh, tổ chức các hoạt động truyền thông về địa bàn cơ sở phù hợp với tình hình và theo đúng chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Còn tại Hà Nội, theo Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn, Thành phố phấn đấu đảm bảo 100% trẻ em mồ côi được quan tâm tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. Đồng thời phấn đấu 80% trẻ em có vấn đề sức khỏe tâm thần, trẻ em có nguy cơ cao rối loạn sức khỏe tâm thần được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tâm lý, các dịch vụ xã hội phù hợp tại trường học, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em và tại cộng đồng.
Để nâng cao hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong thời gian tới, Cục Trợ giúp pháp lý kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật về trẻ em và hoàn thiện về thể chế để bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ, đặc biệt là trong tư pháp hình sự và đối với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt (ví dụ như ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên; nghiên cứu về độ tuổi trẻ em, người chưa thành niên, nhu cầu trợ giúp của nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt...) cho phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn phát triển của đất nước.
Cục Trợ giúp pháp lý cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước trong việc giải thích, thông tin, thông báo về các trường hợp liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, trẻ vi phạm pháp luật tại địa phương để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em theo quy định của pháp luật. Quan tâm, bảo đảm về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trợ giúp pháp lý tại địa phương, trong đó có trợ giúp pháp lý cho trẻ em. Đối với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có liên quan đến trẻ em, đề nghị tăng cường công tác phối hợp về giới thiệu quyền được trợ giúp pháp lý cho trẻ em.
Theo báo cáo của Cục Trợ giúp pháp lý, đến hết năm 2023 trên toàn quốc có 63 Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, 97 chi nhánh, 1.228 người làm việc trong các Trung tâm, với 676 trợ giúp viên pháp lý, bên cạnh đó còn có 180 tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, 675 cá nhân tham gia trợ giúp pháp lý. Để nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện cho trợ giúp viên pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý khác, Cục Trợ giúp pháp lý và các địa phương tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về kỹ năng tham gia tố tụng hoặc kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý cho trẻ em hoặc xây dựng, phát hành các tài liệu hướng dẫn trợ giúp pháp lý cho trẻ em.