Ẩn họa sức khỏe lâu dài
Điều trị tại Bệnh viện Lao và phổi Trung ương gần 1 tháng nay, nhưng cơn ho dai dẳng vẫn hành hạ anh Tưởng Đỗ Hưng (29 tuổi), công nhân thi công nội thất. “Nguyên nhân là do bị nhiễm bụi xây dựng. Trong quá trình thi công, sơn bả ma tít tường, tôi thường không đeo khẩu trang nên bị ảnh hưởng”, anh Hưng chia sẻ.
Người lao động vẫn đang phải làm việc trong môi trường nhiều nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp. |
Còn chị Phan Thi Nga, công nhân may Hải Dương cho biết: “Tôi làm ở một xưởng may tư nhân, môi trường làm việc bị chủ tiết giảm tối đa. Vì vậy làm một thời gian, tôi thấy tức ngực, bị ho. Đi khám, bác sĩ tư vấn là do hít phải nhiều sợi bông và khuyến cáo phải có trang thiết bị bảo hộ hoặc kiến nghị chủ lao động có biện pháp bảo vệ môi trường nơi làm việc”.
Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn Lao động (Bộ LĐTBXH), Việt Nam hiện có 30.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần, do Việt Nam chỉ mới công nhận 30 bệnh nghề nghiệp, trong khi với xu thế hội nhập, nhiều ngành nghề mới, sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, thì số bệnh nghề nghiệp cũng cao hơn.
Còn Tiến sĩ Phạm Hồng Lưu, Trung tâm sức khỏe nghề nghiệp cho biết: “Bệnh nghề nghiệp có thể cấp hoặc mãn tính. Đối với bệnh nghề nghiệp cấp tính, nguyên nhân là do tiếp xúc với các hóa chất hoặc các yếu tố tác hại nghề nghiệp có độc tính cao, nồng độ cao trong thời gian ngắn. Còn bệnh nghề nghiệp mãn tính tích tụ lâu năm và rất nguy hiểm với sức khỏe sau này. Thời gian bị bệnh thường kéo dài nên việc thống kê báo cáo thường gặp khó khăn. Công tác phòng, chống bệnh liên quan đến nghề nghiệp cũng ít được quan tâm hơn so với phòng, chống tai nạn lao động do thời gian đánh giá hiệu quả dự phòng chậm”.
Tăng cường thanh kiểm tra
Đánh giá của Cục An toàn lao động cho thấy, hàng năm chỉ có khoảng 6.000 cơ sở đo môi trường lao động và chỉ có khoảng 5% lực lượng lao động trong cả nước đi kiểm tra bệnh nghề nghiệp. Những người đến khám bệnh thường khi đã có xuất hiện những triệu chứng của bệnh.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ban hành danh mục gồm 105 bệnh nghề nghiệp, trong đó có: 56 bệnh do tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm nơi làm việc (hóa chất, yếu tố vật lý, vi sinh vật), 26 bệnh nghề nghiệp theo cơ quan tác động (hô hấp, da, rối loạn cơ xương khớp, rối loạn tâm thần), 21 bệnh ung thư nghề nghiệp và 2 bệnh khác. |
Còn theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hiện chỉ có khoảng trên 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ. Theo thống kê, bệnh bụi phổi là phổ biến nhất và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là điếc do tiếng ồn (17%), rồi các bệnh khác như nhiễm độc benzen; bệnh do tia X; sạm da nghề nghiệp, viêm da…
“Để khắc phục tình trạng này, Luật An toàn, vệ sinh lao động vừa mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2016, đã đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố phòng ngừa như kiểm soát yếu tố độc hại tại nơi làm việc; quy định mức đóng của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) tối đa là 1%, trích 10% từ Quỹ BHTNLĐ, BNN cho công tác phòng ngừa như khám chữa bệnh, tập huấn…”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.
Theo các chuyên gia lao động, hành lang pháp lý đã có, vấn đề là triển khai trong thực tế như thế nào, đặc biệt là công tác thanh kiểm tra, chế tài xử phạt các đơn vị vi phạm để giúp bảo vệ sức khỏe người lao động.