Bấp bênh việc làm cho lao động nông thôn

Chiếm tới 70% lao động của cả nước, hiện tại lao động nông thôn vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do chất lượng nguồn lực lao động thấp, dẫn tới việc họ khó tìm được việc làm lâu dài hoặc việc làm có thu nhập cao.


Việc ít, thu nhập thấp


Do thu nhập từ làm ruộng thấp, nên phần lớn lao động nông thôn giờ đều muốn "thoát ly làm ruộng" và tìm kiếm những việc làm "phi nông nghiệp" ở thành phố hoặc ở chính quê hương mình. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tìm được việc như ý.


Cơ sở cơ khí của anh Lê Lương tại xã Tản Hồng (Ba Vì, Hà Nội).

 

Văn Hùng (Hải Dương) may mắn tìm được việc làm tại một cơ sở làm hương ở xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện, Hải Dương). Cơ sở này mới mở được hơn 1 năm nay, tuy nhiên công việc cũng rất bấp bênh, Hùng chủ yếu làm theo công nhật, khi nào có việc thì chủ mới thuê. Hùng chia sẻ: Dù biết là việc làm bấp bênh, nhưng vì thu nhập vẫn còn cao hơn làm ruộng nên vẫn cố gắng "bám trụ" được ngày nào hay ngày ấy.


Còn anh Lê Lương, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì (Hà Nội), hiện đang mở cơ sở hàn, cơ khí tại ngay quê hương mình, cho biết: "Tôi cũng đã thoát ly lên thành phố học việc, nhưng hiện nay việc làm ở thành phố cũng khó khăn, nên quyết định về quê mở xưởng. Về quê, bớt được tiền trọ, tiền đi lại, ăn uống... nhưng thu nhập thì cũng không thật sự cao. Xưởng của tôi hiện cũng làm việc cầm chừng, chủ yếu phục vụ bà con trong xã".


Cùng chung tâm trạng như anh Lê Lương, Khiếu Hường (Thanh Hóa) chia sẻ: "Trước đây tôi làm công nhân may ở trong TP Hồ Chí Minh. Công việc trong đó giờ cũng khó khăn, lĩnh lương xong trừ chi phí thuê nhà trọ, sinh hoạt, tính ra cũng không tích lũy được mấy. Chính vì vậy, tôi đã nghỉ việc về quê, xin vào làm công nhân may tại cơ sở may gần thành phố Thanh Hóa. Thu nhập hiện tại của tôi khoảng 4 triệu/tháng, không cao nhưng do ở gần gia đình, không phải lo thuê nhà trọ, nên cũng tạm ổn".


Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đánh giá: Do suy giảm kinh tế, nên thời gian gần đây người lao động ở vùng đô thị lại có xu hướng chuyển dịch trở lại về nông thôn. Tuy nhiên, việc làm ở nông thôn cũng rất bấp bênh, nhất là vùng thuần nông. Một trong những nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực thấp.


Thêm nghề, thêm vốn


“Quỹ quốc gia về việc làm hiện có trên 4.000 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm các địa phương đã giải quyết việc làm cho khoảng 200.000 lao động, trong đó gần 90% là khu vực nông thôn. Để tăng vị thế lao động việc làm của người dân nông thôn cần phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ”, ông Lê Quang Trung cho biết.


Để tạo việc làm cho khu vực nông thôn, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Thị trường lao động có vai trò quan trọng đảm bảo an sinh lâu dài cho người dân nông thôn. Theo thống kê có đến hơn 130 chính sách liên quan đến người dân nông thôn nhưng hiện rất chồng chéo. Chương trình nên tập trung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh sự phân tán như hiện nay. Đối với nguồn lực nông thôn, cần tập trung đào tạo nghề. Hiện đào tạo nghề vùng nông thôn mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu. Vấn đề tổ chức các chương trình việc làm khu vực nông thôn cũng cần đưa vào dự thảo Luật Việc làm trình Quốc hội tới đây. Đây là chính sách mới để huy động nguồn nhân lực, giải quyết việc làm tạm thời tại chỗ ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình, dự án ở các địa phương như: chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững. Theo như kinh nghiệm của Ấn Độ, các chương trình này rất ngắn hạn để vừa phục vụ lao động vừa phục vụ nhu cầu của người dân”.


Còn ông Lê Quang Trung đề nghị: “Các địa phương cần triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình về đào tạo nghề đến 2015, tập trung vào phát triển các dự án, vay vốn có việc làm; ưu tiên nguồn vốn với các vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi tập trung đông dân cư còn nhiều khó khăn”.

 

Theo khảo sát gần đây, cả nước có hơn 1,3 triệu người thiếu việc làm; trong đó có 83% tập trung ở khu vực nông thôn. Trong khi đó có gần 47% lao động khu vực nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên khu vực nông thôn có năng suất thấp chỉ bằng 1/3 khu vực công nghiệp và 1/2 khu vực dịch vụ ở nông thôn.


Bài và ảnh: Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN