Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, mặc dù Chính phủ, Bộ NN & PTNT đã có nhiều quyết định, văn bản, thông tư hướng dẫn về quy trình giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý dịch bệnh... nhưng qua kiểm tra thực tế, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê của Cục Thú y, cả nước hiện có 11.485 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và khoảng 16.800 điểm giết mổ nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 929 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (chiếm 8%) được cơ quan thú y thực hiện việc kiểm soát giết mổ.
Hiện nay, cả nước mới chỉ có 36 tỉnh, thành phố đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án quy hoạch giết mổ gia súc gia cầm, 21 tỉnh thành đang xây dựng đề án quy hoạch giết mổ tập trung. Thống kê của 8 tỉnh đã tiến hành đánh giá phân loại cơ sở giết mổ, chỉ có 8/49 cơ sở đạt loại A (loại đạt yêu cầu); 19/49 cơ sở đạt loại B (loại mắc ít lỗi vi phạm) và có tới 23/29 cơ sở bị xếp loại C (loại mắc nhiều lỗi vi phạm).
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được ông Phan Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y, nêu ra: Do thiếu sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương, cũng như nhận thức của người dân trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, UBND các cấp chưa ban hành chế tài xử lý nghiêm việc buôn bán gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không cương quyết và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về khuyến khích đầu tư xây mới, mở rộng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp, nhưng nhiều tỉnh, thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần đầu tư. Ngoài ra, việc tổ chức kiểm tra, đóng dấu kiểm soát giết mổ và thu tiền tại chợ không chỉ không đúng với quy định của pháp luật, mà vô hình chung đã chấp nhận cho việc giết mổ tự do không qua quản lý và kiểm soát của cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, số điểm giết mổ nhỏ lẻ rất lớn, phân bố rải rác khắp khu dân cư nên lực lượng cán bộ thú y không thể đủ để thực hiện công tác kiểm soát giết mổ. Việc quản lý của chính quyền địa phương ở một số nơi thiếu chặt chẽ, thậm chí còn bỏ ngỏ, vì vậy tư thương đã lợi dụng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, làm lây lan dịch bệnh... Một nguyên nhân nữa là cơ quan thú y chưa có đủ quyền hạn thực thi việc yêu cầu chủ giết mổ thực hiện đúng quy trình giết mổ, kiểm soát giết mổ và xử lý động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.
Trái ngược với các tỉnh phía Bắc, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Nam lại làm tốt hơn. Theo thống kê, hiện các tỉnh miền Đông Nam bộ có 352 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chiếm 2,6% toàn hệ thống giết mổ nhưng lượng gia súc gia cầm được giết mổ tại các cơ sở này có thể chiếm tới gần 30% trong cả nước. Số điểm giết mổ nhỏ lẻ ở khu vực này vẫn còn tới 1.295 điểm, tuy nhiên tỷ lệ cơ sở được cơ quan thú y kiểm soát khá cao, chiếm 88,72%. TP.HCM là địa phương đi đầu trong cả nước về việc quy hoạch và xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, đã cơ bản hoàn thiện hệ thống và kiểm soát trên 97% số lượng gia súc gia cầm được giết mổ; 100% cơ sở giết mổ lợn được thực hiện theo phương thức giết mổ treo đã cải thiện được đáng kể về vệ sinh thú y trong giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các sản phẩm khi đưa về tiêu thụ tại TP.HCM phải có bao bì ghi rõ thương hiệu, nguồn gốc… được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm soát, đã góp phần thúc đẩy các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu… triển khai quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở giết mổ tập trung, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho biết: Đến nay, thành phố Hà Nội chưa phê duyệt được quy hoạch tổng thể các cơ sở giết mổ nhưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ tập trung với dây chuyền hiện đại. Trong đó, 3 cơ sở giết mổ gia cầm hiện đại (gồm Minh Khai, Phúc Thịnh và Thụy Phương) đã phải ngừng hoạt động hoàn toàn; 3 cơ sở giết mổ lợn với công suất giết mổ 400 -1.000 con/ngày thì chỉ hoạt động cầm chừng, mỗi nơi chỉ giết mổ được 20 - 30 con/ngày chủ yếu cung cấp cho một số siêu thị, khách sạn.
Để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu yêu cầu các tỉnh phía Bắc cần nghiêm túc đề xuất các giải pháp để thay đổi thực trạng này trong thời gian tới, nếu cần cơ chế đặc thù hay giải pháp đặc biệt, các địa phương đề xuất để Bộ NN&PTNT hỗ trợ. Trước mắt, triển khai thực hiện kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ, tạm thời giao cho chính quyền cơ sở và thú y xã, phường quản lý. Phải xây dựng lộ trình đưa điểm giết mổ nhỏ lẻ phân tán vào các địa điểm đã được quy hoạch có kiểm soát của cơ quan thú y. Các địa phương nên hỗ trợ đầu tư đóng mới, cải tạo phương tiện vận chuyển thịt gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh thú y và môi trường.
Thành Trung