"Bật mí" bí quyết hút khách của xe buýt nhanh

Ông Nguyễn Thủy, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt nhanh Hà Nội (TCT Vận tải Hà Nội – Transerco) đã “bật mí” với phóng viên Báo Tin Tức về việc “hút khách” liên tục thời gian qua của tuyến buýt nhanh BRT số 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa là nhờ tỷ lệ xuất bến đúng giờ đạt tới 98%.

Tỷ lệ xe buýt nhanh xuất bến đúng giờ đang là tiêu chí hàng đầu hút khách sử dụng

Theo ông Thủy, tỷ lệ xe buýt nhanh xuất bến đúng giờ đạt gần 98%, với tần suất 5 - 15 phút/chuyến; thời gian chạy suốt tuyến của tất cả các chuyến buýt từ khi đi vào vận hành chính thức (ngày 31/12/2016) đến nay đều đạt trung bình 40 - 45/chuyến theo đúng số phút mục tiêu đề ra, là hai tiêu chí “hút khách” của buýt nhanh sau 45 ngày hoạt động chính thức.

Càng ngày buýt nhanh càng hoạt động hiệu quả và luôn kín chỗ

Trên thực tế, không ít người dân đã hoài nghi buýt nhanh BRT Hà Nội có chạy nhanh hơn buýt thường, hiệu quả có tương xứng với giá trị đầu tư hay buýt nhanh liệu có nhanh được trong bối cảnh ùn tắc như hiện nay… Nhưng sau 45 ngày vận hành, lộ trình, thời gian, vận tốc, biểu đồ chạy đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra, hành khách gia tăng từng ngày, đã chứng minh hiệu quả của loại hình vận tải công cộng này. 

Nếu có làn đường riêng và các phương tiện chấp hành nghiêm luật giao thông, không lấn làn, buýt nhanh sẽ ngày càng đáp ứng yêu cầu của xã hội

Chị Trúc Mai, nhân viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 18 Láng Hạ cho biết: “Từ khi có tuyến xe buýt nhanh hoạt động, tôi đã chuyển sử dụng thường xuyên hàng ngày thay vì dùng xe máy đi làm như trước đây. Việc chạy đúng giờ theo lộ trình đặt ra của tuyến buýt nhanh này là sự lựa chọn ưu tiên của các chuyên viên hành chính như tôi. Thời gian chạy từ Bến xe Kim Mã đến nhà chờ Láng Hạ đúng giờ, nhất là vào giờ cao điểm sáng hàng ngày, đảm bảo quy định về giờ giấc làm việc ở cơ quan rõ ràng là điểm cộng cho buýt nhanh...”.

Qua ghi nhận ý kiến thực tế của nhiều hành khách, hầu hết số đông đều tư duy hiệu quả của xe buýt nhanh nằm ở mức độ nhanh chóng về thời gian so với buýt thường. Nhưng theo các chuyên gia giao thông, không nên hiểu chữ "nhanh" theo kiểu chạy nhanh hơn bao nhiêu phút. Vì về dài hạn, nếu buýt nhanh không bị cản trở bởi ùn tắc, có dải phân cách cứng suốt tuyến, sẽ đáp ứng được tiêu chí này. Còn trong bối cảnh ùn tắc thường xuyên diễn ra như hiện nay, dải phân cách cứng chưa lắp được suốt tuyến, nhưng buýt nhanh vẫn đảm bảo thời gian vận hành ổn định, tạo ra tính nhanh “bền vững” là thành công.  

Theo đánh giá của lãnh đạo TP Hà Nội, mặt tích cực là buýt nhanh BRT đã vận hành đúng phương án, đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn và thu hút được hành khách sử dụng. Với năng lực vận chuyển hiện tại của buýt nhanh BRT đạt 80% so với thiết kế, có thể đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại trên tuyến. Nếu phát huy tối đa dịch vụ, vận hành đảm bảo tần suất 3 phút/chuyến khi có làn đường riêng, tuyến BRT có thể đáp ứng từ 13 – 15% nhu cầu đi lại trên tuyến. 

Hiện nay, thành phố cũng đã điều chỉnh 5 tuyến xe buýt thường để tăng cường kết nối với BRT, gồm các tuyến: 09, 18, 19, 22, 50; trong đó, tuyến buýt 22 được tổ chức lại thành tuyến buýt gom kết nối tăng sản lượng rõ rệt tại điểm đầu Kim Mã, khiến lượng hành khách tại đây tăng 20% so với trước khi điều chỉnh tuyến.

Tuyến buýt nhanh BRT 01 khai trương ngày 31/12/2016. Với quãng đường gần 14,7  km, có 24 xe buýt nhanh hoạt động từ 5 – 22 giờ/ngày, riêng Chủ nhật giảm xuống còn 14 xe, với 264 lượt/ngày. Tần suất 5 - 15 phút/chuyến. Bình quân đạt 40 khách/chuyến. 5 nhà chờ hiện nay có số lượng vé cao nhất là Kim Mã, Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn, Vũ Ngọc Phan và Bến xe Yên Nghĩa. 

Tiêu chí đúng giờ hiện nay đặt ra đối với buýt nhanh là quan trọng nhất, vì đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu và tạo được thời gian chuẩn cho hành khách phục vụ công việc. Đến thời điểm này, buýt nhanh đã dần “mua” được thói quen với hành khách. Với kết quả này, nếu không có gì thay đổi, tuyến buýt nhanh BRT số 02 Bến xe Kim Mã - Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ được đưa vào vận hành ngay trong quý I/2017.

Còn theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, ưu tiên hàng đầu của xe buýt nhanh là đúng giờ. Đối với giao thông đô thị, để giảm ùn tắc bắt buộc phải phát triển loại hình giao thông công cộng, trong đó chủ lực là xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. Trong quá trình chạy thử nghiệm, các đơn vị liên quan sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia để hiệu chỉnh những bất cập trong quá trình sử dụng buýt nhanh. 

Tiến Hiếu
Phạt lái xe biển xanh lấn làn buýt nhanh 1 triệu đồng và tước bằng lái 2 tháng
Phạt lái xe biển xanh lấn làn buýt nhanh 1 triệu đồng và tước bằng lái 2 tháng

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đã xác minh được lái xe biển xanh đi lấn làn buýt nhanh theo yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) và tiến hành xử phạt kịp thời theo quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN