Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, để hạn chế thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu, kịp thời gia cố, tôn cao để ứng phó với triều cường; đồng thời thông tin về diễn biến, tình hình triều cường, sạt lở đến người dân, khuyến cáo các biện pháp đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn.
Các địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” kịp thời hỗ trợ người dân xử lý, khắc phục các vị trí bờ bao bị xói lở, không để nước tràn qua tiếp tục gây vỡ đê; hỗ trợ các hộ dân trong khu vực nguy hiểm di dời đến nơi an toàn. Riêng với các sự cố công trình, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre đề nghị địa phương có biện pháp xử lý, khắc phục; thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở để đảm bảo an toàn.
Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre, từ ngày 20 đến 22/2/2023, triều cường trên địa bàn tỉnh ở mức cao. Mực nước đỉnh triều ghi nhận được tại các trạm đo vào ngày 22/2 như: Sông Hàm Luông tại trạm Chợ Lách đạt mức 197 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 12 cm), trạm Mỹ Hóa đạt mức 187 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 9 cm), trạm An Thuận đạt mức 189 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 8 cm); Sông Cửa Đại tại trạm Bình Đại đạt mức 189 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 7 cm); sông Cổ Chiên tại trạm Bến Trại đạt mức 191 cm (thấp hơn đỉnh triều lịch sử 13 cm).
Từ ngày 20-22/2, triều cường đã ảnh hưởng gây ngập, sạt lở, thiệt hại sản xuất nông nghiệp tại một số khu vực thuộc địa bàn các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú, Ba Tri và Châu Thành.
Triều cường dâng cao gây sạt lở đê Cồn Kiến, xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách với chiều dài sạt lở 5 m; ngập 4 nhà dân và 1,5 ha vườn cây ăn trái. Ủy ban nhân dân xã Tân Thiềng đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục. Triều cường gây sạt lở đê tại khu vực cống Xẻo Lá, ấp Thành Long, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam với chiều dài khoảng 25 m, chiều sâu vô thân đê khoảng 1,5 m. Địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục tạm thời, sau đó sẽ tiến hành khảo sát để có giải pháp khắc phục lâu dài.
Triều cường dâng cao tràn qua bờ bao ao nuôi thủy sản của 2 hộ dân trên địa bàn xã Bình Thành, huyện Thạnh Phú gây thiệt hại 0,5 ha ao nuôi, với 500 con cua 15 ngày tuổi; 0,2 ha ao nuôi với 250.000 con tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi.
Tại huyện Ba Tri, sóng biển dâng cao tràn qua bờ kè chắn sóng thuộc ấp Thạnh Hải, xã Bảo Thuận, gây sạt lở phần đất bên trong bờ kè với chiều dài 100 m và sâu 0,5-1 m so với mặt bê tông của bờ kè; xói lở, hư hỏng hoàn toàn 80 m đoạn đường bê tông liên xã Tân Thủy - Bảo Thuận.
Tại khu vực Cồn Lát, ấp Định Lễ, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, triều cường dâng cao đã gây ra sạt lở bờ bao ao cá của Công ty Thủy sản Ngọc Xuân, với chiều dài 6 m, gây ngập 1 ha vườn cây ăn quả của 3 hộ dân lân cận.