Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng 13 giờ 15 phút ngày 4/5, tại xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm xuất hiện cơn mưa đầu mùa, kéo dài hơn 30 phút. Dù mưa khá lớn nhưng không xảy ra hiện tượng dông, lốc mạnh.
Anh Nguyễn Thanh Bình, ngụ ấp Phong Thuận, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm phấn khởi chia sẻ, nắng nóng liên tục mấy tháng nay, người dân địa phương ai cũng trông chờ mưa từng ngày. Trận mưa này giúp cây trái được tưới mát sau thời gian nắng hạn kéo dài, kèm theo đó là hy vọng nguồn nước sông, hồ bớt nhiễm mặn.
Được biết, ngoài xã Phong Nẫm (huyện Giồng Trôm), chiều cùng ngày, cơn mưa đầu mùa khá lớn và kéo dài còn xuất hiện tại các xã Tân Thiềng, Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách), Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc)…
Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, từ nửa đầu tháng 5/2024, trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào thời kỳ chuyển mùa, kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa dông kèm gió giật mạnh, lốc xoáy, sét, mưa lớn cục bộ, mưa đá, sóng to, gió mạnh trên biển...
Nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả, đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cho nhân dân trước hiện tượng thời tiết bất thường có thể xảy ra trong giai đoạn chuyển mùa cũng như mùa mưa bão năm 2024, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre khuyến cáo người dân thực hiện nhiều biện pháp như, gia cố, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cao đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa kèm dông, lốc.
Khi mưa dông xảy ra, người dân nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, không trú mưa dưới các gốc cây, gò cao và nơi có nước; tránh xa vật dụng bằng kim loại, trạm biến áp, cột, đường dây điện; không sử dụng điện thoại, ti vi, máy tính cũng như thiết bị điện tử khác, không đứng thành nhóm người gần nhau nhằm hạn chế nguy cơ bị sét đánh, cây ngã.
Người dân thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin trên các phương tiện truyền thông để chủ động phòng tránh; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ cây trồng, vật nuôi, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản công nghệ cao có sử dụng mái che tại các huyện ven biển chủ động gia cố, bảo vệ sản xuất... khi xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn chế thiệt hại.
Các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan chuyên môn về diễn biến, tình hình thiên tai; thông tin kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động biện pháp phòng tránh, ứng phó.