Các bến xe không xảy ra tình trạng quá tải, hành khách cũng “dễ thở” hơn. Đặc biệt, tình hình giao thông khu vực bến xe Mỹ Đình và các tuyến đường phụ cận bớt ùn ứ, căng thẳng. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp vận tải liên tỉnh thuộc diện điều chuyển luồng tuyến thì năm nay là một cái Tết thất thu do vắng khách. Người dân ngơ ngác vì chưa quen bến mới. Tình trạng “xe dù, bến cóc”, bắt khách dọc đường phát sinh.
Mỹ Đình tấp nập xe buýt vào, ra Thông thường mọi năm, sau ngày đưa ông Công ông Táo về trời thì các bến xe trên địa bàn Hà Nội bước vào đợt cao điểm phục vụ Tết, người dân đổ về các bến rất đông. Nhưng năm nay tình trạng quá tải hầu như không xảy ra, đặc biệt tại các bến Mỹ Đình, Giáp Bát, lượng hành khách đến bến sụt giảm hẳn so với mọi năm. Nếu như trước đây bến Mỹ Đình luôn đông khách nhất trong các bến thì nay hoàn toàn trái ngược, bến trở nên thông thoáng, khiến ai đến đây cũng phải bất ngờ. Từ ngoài nhìn vào bến Mỹ Đình trông giống như một trạm trung chuyển, chỉ thấy tấp nập xe buýt vào ra, rất ít xe liên tỉnh xuất bến.
Trong khi các xe "dù", bến "cóc" lộng hành giành khách thì trong bến lại đìu hiu không có khách. Ảnh: Tuyết Mai/TTXVN |
Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết, việc rút 1/3 chuyến vận tải liên tỉnh khỏi bến xe Mỹ Đình, mà chủ yếu là các tuyến đông khách Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định khiến doanh thu tất cả các mảng của bến xe sụt giảm thê thảm. Các tuyến không thuộc diện điều chuyển ở lại hoạt động thì cũng vắng khách hơn do hành khách đến bến Mỹ Đình chủ yếu đi liên tuyến.
Chẳng hạn khách ở Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định đi làm việc ở Sơn La, Điện Biên thường bắt xe về Mỹ Đình sau đó chuyển xe để về quê. Nhưng nay các tuyến đi Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An chuyển khỏi bến Mỹ Đình thì họ cũng không về qua bến Mỹ Đình nữa mà bắt xe về thẳng luôn.
“Thông thường tầm này hàng năm khách rất đông nhưng năm nay khách đi đâu hết. Hiện bến Mỹ Đình còn 1.000 chuyến/ngày, chạy các hướng Tây, Bắc và Đông bắc, nhưng phần lớn đều trong tình trạng vắng khách. Chắc phải mất 2 – 3 tháng nữa thì tình hình mới ổn định lại”, ông Tuấn nói.
Chưa biết thông tin điều chuyển tuyến về bến mới, anh Định Văn Hiếu quê Phú Thọ ra bến Mỹ Đình bắt xe đi Hải Phòng nhưng không thấy xe buồn bã ngồi lại bến, chưa biết làm cách nào để bắt xe đi tiếp. Mặc dù có xe buýt trung chuyển miễn phí nhưng những hành khách mang vác cồng kềnh theo quy định không được lên xe buýt đành phải bắt xe ôm, taxi về bến mới, chi phí rất tốn kém.
Không đến mức như bến xe Mỹ Đình nhưng lượng xe và khách ở bến Giáp Bát cũng giảm khá nhiều. Theo ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát, lượng khách giảm do bến Giáp Bát nhận 20 tuyến từ các bến xe khác và chuyển đi hơn 80 chuyến. Mặc dù bến đã chuẩn bị phương tiện dự phòng để tăng cường khi cần thiết nhưng đến ngày ông Công, ông Táo vẫn chưa phải huy động thêm chuyến nào, điều này khác hẳn với mọi năm. Ban quản lý bến đã yêu cầu các đơn vị vận tải cam kết với các lái, phụ xe đảm bảo việc chuẩn bị phương tiện theo đúng quy định của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời nghiêm cấm chở các chất dễ cháy, dễ nổ, thu quá giá quy định.
Nhà xe bất an Nuối tiếc một thời hoàng kim khi còn hoạt động ở bến xe Mỹ Đình và nỗi bất an vì doanh thu sụt giảm, phải bù lỗ là điều bắt gặp ở các nhà xe thuộc diện điều chuyển trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Tại bến xe Giáp Bát, lái xe Trần Minh Đức – Hợp tác xã vận tải Đồng Tâm chạy tuyến Hà Nam cho biết, chuyển về bến mới nhà xe hoạt động rất khó khăn. Nếu như trước đây khi còn hoạt đông ở bến xe Mỹ Đình, doanh thu bình quân của xe mỗi ngày có thể thu về 2 triệu thì nay hoàn toàn ngược lại, nhà xe phải bù lỗ khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày. Mặc dù bù lỗ nhưng anh Đức cho biết nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động đều đặn để khách quen xe.
“Dịp Tết này thì khó khăn chồng chất khó khăn. Rất nhiều khoản phải chi nhưng ngược lại phần thu thì chưa có gì. Mỗi ngày đem từ nhà đi 1 triệu để trả lương cho anh em, tiền dầu, tiền phơi lệnh. Xe 29 chỗ thì chiều lên được 4 người, về được 8, còn buổi sáng thì lên 2 người, về 2 người. Nhà xe vẫn mong muốn được hoạt động theo đường “nốt” trước đây ở Mỹ Đình”, anh Đức chia sẻ.
Anh Nguyễn Trung Thân - nhà xe Hà Vân chạy tuyến Lào Cai thuộc diện được ở lại bến Mỹ Đình cũng cho biết, hằng năm hành khách các tỉnh về Mỹ Đình rồi bắt xe đi Lào Cai rất đông. Nhưng nay vắng hơn nhiều. Trước xe xuất bến thường có 10 – 15 người thì nay chỉ còn 4 – 5 người. Nếu tình trạng này kéo dài chắc nhà xe phải tính toán lại. Nếu không tính toán lại coi như nhà xe đang phải bù lỗ.
Theo phản ánh của một số nhà xe, hiện nay các nhà xe hoạt động trong bến đang bị “xe dù” ngoài bến lấn lướt. “Xe dù hoạt động ở vòng ngoài, xung quanh khu vực chợ Mỹ Đình. Có một số xe không để biển hiệu đậu tại chỗ, sẽ có đội xe ôm, đội cò khách đi ra mời khách. Rất thiệt thòi cho những xe tuyến ngắn. Ngoài ra hành khách nhiều người thấy chuyển bến bắt xe khó khăn nên họ chủ động đi xe máy về quê” anh Tâm chạy tuyến Hà Nam phàn nàn.
Tại bến xe Nước Ngầm, anh Vũ Văn Tuấn lái xe chạy tuyến Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, mặc dù chấp hành lệnh điều chuyển về bến xe Nước Ngầm nhưng hiện nay hợp đồng với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như “tem” xe của anh đến hết năm 2017 vẫn là hoạt động tuyến Mỹ Đình – Đông Hưng. Chính vì vậy, bây giờ anh có ra Mỹ Đình “chạy dù” thì Thanh tra Giao thông cũng không thể phạt nhà xe được.