Ngày 17/11, tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị khoa học “Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh 120 năm nghiên cứu và phòng chống bệnh truyền nhiễm” với sự tham dự của các chuyên gia y tế, bác sĩ hàng đầu đại diện các viện Pasteur trên thế giới, các viện nghiên cứu đến từ Pháp, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapo…
Các đại biểu tập trung thảo luận và đề cập nhóm chủ đề: các bệnh mới bùng phát và HIV/AIDS. Tại hội nghị, Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đề cập đến tình hình bệnh tay chân miệng đang bùng phát một cách đột biến tại khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Khám, điều trị bệnh chân tay miệng cho bệnh nhi. Ảnh: Thanh Long-TTXVN |
Theo ghi nhận, bệnh tay chân miệng không chỉ xuất hiện tại Việt Nam mà còn nhiều nước khu vực châu Á Thái Bình Dương như tại Trung Quốc trong 3 năm (2009 – 2011), đã có hơn 1 triệu trường hợp mắc tay chân miệng.
Tính từ đầu năm đến nay, Việt Nam có hơn 84.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó khu vực phía Nam chiếm hơn 65% số ca mắc và 90% số ca tử vong. Hiện bệnh tay chân miệng có xu hướng dừng lại nhưng vẫn ở mức độ cao với hơn 2.500 ca/tuần. Có 99% ca mắc ở trẻ em dưới 10 tuổi, trong đó tập trung trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xuất hiện nhiều ở trẻ là do kháng thể EV71 trong cơ thể trẻ em thấp hơn so với người lớn. Vì thế, ông Hữu nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung truyền thông vệ sinh toàn cộng đồng; sử dụng chất diệt khuẩn là biện pháp thay thế cải thiện vệ sinh; đồng thời, việc đóng cửa trường học ở những nơi phát bệnh tay chân miệng chỉ nên thực hiện rất chọn lọc..
Tại hội nghị, các đại biểu trong và ngoài nước cũng chia sẻ và đưa ra những khuyến cáo, đề xuất cũng như đánh giá về các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh truyền nhiễm như: HIV, bệnh lây truyền qua đường tình dục và đường máu; Tiến triển trong phòng chống véc-tơ sốt Dengue trong 20 năm qua ở Việt Nam; Sự lưu hành bệnh nhiễm Hantavirus trên người và động vật ở Việt Nam; Các tác nhân gây tiêu chảy cấp yêu cầu nhập viện trong số trẻ em dưới 5 tuổi…/.
Gia Thuận