Thuận vợ, thuận chồng...
Bình đẳng giới là một chỉ báo quan trọng của hiện đại hóa và tiến bộ trong gia đình theo hướng hai vợ chồng cùng tham gia đóng góp kinh tế, chi tiêu, quyết định các việc trong gia đình. Với việc triển khai có hiệu quả nhiều chính sách tiến bộ vào đời sống, tại các thôn bản vùng cao Lào Cai giờ đây, quyền lợi học tập, việc làm, chăm sóc sức khỏe, nuôi con của phụ nữ đã được cải thiện; vị thế, vai trò của phụ nữ được khẳng định trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chị Phạm Thị Vinh (người Tày, ở thôn Tượng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai) vốn là người ở nơi khác những theo chồng về đây làm dâu. Nhờ tính cách nhiệt tình, trung thực, nhanh nhẹn trong việc chung của làng, của xóm lại thêm thuận lợi khi được chồng quan tâm, ủng hộ, chị Vinh trở thành nữ trưởng thôn đầu tiên và cũng là nữ đảng viên người Tày đầu tiên ở thôn Tượng 2.
Còn chồng chị, anh La Văn Tam cho hay: “Ngày vợ tôi làm trưởng thôn, cũng có nhiều người bàn tán nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Trong gia đình tôi, mọi vấn đề dù to hay nhỏ, vợ chồng tôi đều bàn bạc, cùng nhau gánh vác và thực hiện. Tôi luôn tin tưởng và ủng hộ vợ tham gia công tác xã hội”.
Chẳng hạn, khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, để làm đường trục thôn, hai vợ chồng anh chị đã bàn với nhau và đồng thuận hiến 400m2 đất. Khi thôn thực hiện các công trình, phần việc, chồng chị với kinh nghiệm làm xây dựng lâu năm còn góp ý, giúp vợ và bà con tính toán các khoản chi phí và nguyên vật liệu.
Nhờ đó, công việc “vác tù và hàng tổng” đã được chị gánh vác suốt 20 năm qua. Chị Vinh cho biết thêm, nếu không có chồng giúp đỡ, chia sẻ, chị đã không thể làm tốt trách nhiệm trưởng thôn, người đảng viên và một người vợ, người mẹ trong gia đình.
Những câu chuyện tương tự của vợ chồng chị Phạm Thị Vinh vẫn xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Phó Giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội Lào Cai Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, trong các gia đình ở đây, thời gian qua, đa phần phụ nữ và nam giới đều tham gia hoạt động kinh tế tạo thu nhập, cùng giáo dục con và chăm sóc các thành viên khác. Điển hình, thực hiện Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, giới thiệu việc làm”, tỷ lệ nữ tham gia học nghề đều đạt và vượt chỉ tiêu 40% trên tổng số tuyển sinh; tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt trên 75%. Tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 1,24%; thất nghiệp chia theo giới tính nam là 1,36%, nữ là 1,09%.
Phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đã được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 99%; qua đó phụ nữ đã có nhiều cơ hội làm chủ về lao động, việc làm và chủ động về lĩnh vực kinh tế. Ở khu vực nông thôn, phụ nữ đã tích cực thi đua lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, trên thực tế, tại Lào Cai, dù đã có nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành, địa phương, song sự tiếp cận thông tin và nhận thức của người dân về công tác bình đẳng giới còn hạn chế. Một số thôn bản vùng cao vẫn tồn tại hủ tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân như tảo hôn; quan niệm sinh con cái (trọng nam, khinh nữ) gây nên mất cân bằng giới tính.
Thống kê của cơ quan chức năng, 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 2.034 trẻ em gái mới sinh/4.398 trẻ em mới sinh, chiếm 46,24%. Vẫn còn những gia đình coi nhẹ vai trò của người phụ nữ; giữ định kiến, tạo rào cản trong việc nâng cao trình độ học vấn, giao tiếp, chia sẻ công việc gia đình đối với phụ nữ. Số phụ nữ nông thôn thiếu việc làm, di cư khỏi địa phương vẫn còn, dẫn tới nguy cơ bị bạo lực và bị mua bán. Những vấn nạn này đòi hỏi cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, bổn phận của từng thành viên gia đình trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các đơn vị, địa phương tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhằm xóa bỏ các tập quán lạc hậu, bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ; xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau.
Từ thực tiễn về bình đẳng giới trong gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đề xuất các cấp, ngành, địa phương nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện Luật Bình đẳng giới. Bởi trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình nên được đưa thành tiêu chí quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa...
"Để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giải pháp then chốt là tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân; phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới trong công tác bình đẳng giới để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái", bà Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, hoạt động bình đẳng giới ở Lào Cai thời gian tới sẽ có thêm nhiều thuận lợi khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Trong đó có việc triển khai Dự án số 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Những điều kiện thuận lợi này sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ nữ Lào Cai vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời kỳ mới.