Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách về giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, bình đẳng giới ở Việt Nam vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.Bất bình đẳng trong việc làm, mất cân bằng giới tínhỞ nước ta, bình đẳng giới luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, thể hiện trong khung luật pháp, chính sách, đặc biệt từ khi Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ năm 2007. Những nỗ lực đó đã góp phần cải thiện tình trạng bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.
Lao động nữ làm việc tại dây chuyền lắp ráp sản phẩm của Công ty TNHH Canon Việt Nam. Ảnh: Danh Lam - TTXVN. |
Cụ thể: Trong lĩnh vực chính trị, có 24,2% đại biểu Quốc hội là nữ. Sự tham gia của phụ nữ trong cấp ủy và Hội đồng nhân dân địa phương có thay đổi tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2011 - 2012, tỷ lệ trẻ em gái vùng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số học tiểu học và trung học cơ sở đạt khoảng 80%. Trong lĩnh vực lao động và kinh tế, giai đoạn 2011 - 2012, tạo việc làm trong nước cho 48% nữ, 52% nam; xuất khẩu lao động cho 30% nữ, 70% nam (năm 2011), 33.3% nữ, 66.7% nam (2012).
Tuy nhiên, định kiến về giới vẫn còn tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội nhất là trong tuyển dụng lao động, bạo lực gia đình hay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tốt nghiệp đã hơn 3 tháng nhưng chưa tìm được việc làm, hàng ngày, chị Trần Thị Bích T. (cựu sinh viên khoa công nghệ thông tin, trường đại học Bách Khoa Hà Nội) vẫn thường đọc các trang thông báo tuyển dụng trên mạng. Khi biết công ty dịch vụ viễn thông P.N cần tuyển 20 nhân viên kỹ thuật dịch vụ Internet, chị T. nhanh chóng nộp hồ sơ. Tuy nhiên, chị bị công ty từ chối bởi doanh nghiệp này chỉ có nhu cầu tuyển lao động nam. Chị T. băn khoăn: “Tại sao các công ty không tuyển dụng dựa trên năng lực mà lại dựa trên giới tính. Nếu tôi đáp ứng được yêu cầu công việc thì phải chọn tôi chứ?”.
Lãnh đạo một công ty xây dựng tại Hà Nội cũng thừa nhận: “Do đặc thù công việc phải đi công tác xa dài ngày nên chúng tôi thường chỉ tuyển nam. Lao động nam sức khỏe tốt, chịu được áp lực công việc trong khi lao động nữ còn bận chuyện gia đình thì khó có thể lăn lộn được”.
Không chỉ trong lĩnh vực tuyển dụng lao động, trong nhiều sản phẩm truyền thông, phim ảnh, quảng cáo... đâu đó vẫn chưa thoát khỏi tư tưởng định kiến về giới, vô tình củng cố các các quan niệm phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Nữ giới thường “đóng đinh” với những hình ảnh của “bà nội trợ”, người phục vụ, chăm chỉ với các việc lau dọn, giặt giũ, chăm sóc con cái và nam giới lại ở vị trí thụ hưởng, nắm giữ quyền lực, thành đạt…
Đặc biệt, tâm lý “trọng nam khinh nữ”, thích con trai hơn con gái, vẫn phổ biến ở nhiều nơi. Thậm chí, cho đến nay, nhiều người vẫn suy nghĩ rằng phụ nữ là người quyết định trong việc “tạo” ra giới tính cho con, dẫn đến tình trạng “đi tìm con trai”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng về giới tính.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
Cần sự hợp tác từ nam giớiÔng Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các quan niệm gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ; cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội.
Do đó, đại diện UNFPA nhấn mạnh, giải pháp không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của sự phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người. Từ đó xóa bỏ bất bình đẳng giới, bảo đảm nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Khi phụ nữ và các trẻ em gái được chăm sóc y tế, giáo dục, có cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.
Tuy nhiên, theo ông Arthur Erken, để cải thiện được thực tế này cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi nhận thức của chính giới mình đối với bình đẳng giới.
Bà Dương Thị Xuân, Nguyên Trưởng ban Chính sách pháp luật Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam:
Phụ nữ đừng thờ ơ với quyền của mình
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ song do hủ tục, lệ làng cũng như định kiến nên rất nhiều chính sách đã không được thực thi. Nếu "lệ làng” là bản sắc cần lưu giữ thì hủ tục gây sự bất bình đẳng cho phụ nữ phải cần được xóa bỏ. Bản thân phụ nữ cũng cần chủ động đòi hỏi quyền lợi cho mình. Một ví dụ đơn giản: Luật Đất đai và Luật Hôn nhân gia đình quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi tên cả vợ và chồng nếu mảnh đất đó là tài sản chung của cả hai người. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ở đâu và bất cứ lúc nào, quyền lợi của phụ nữ trong sổ đỏ cũng được thực thi. Phụ nữ đứng “ngoài lề” sổ đỏ do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó cũng có lỗi chủ quan, thờ ơ của chính mình. Chỉ đến khi xảy ra mâu thuẫn, người phụ nữ phải chịu thua thiệt mới nhận ra thì đã quá muộn.
TS Khuất Thu Hồng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội:
Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo để phát triển đội ngũ lãnh đạo nữ
Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo đã tăng lên trong thời gian qua nhưng tôi cho rằng đây còn là con số khiêm tốn so với lực lượng lao động nữ dồi dào hiện nay. Vì thế cần thay đổi chính sách pháp luật một cách phù hợp để con số này tăng lên trong những năm tiếp theo; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo nữ giúp họ nâng cao quyền và vị thế của mình. Ví dụ, theo Luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 55 tuổi thì phụ nữ từ 45 tuổi trở lên sẽ không muốn phấn đấu nữa.
Chị Hoàng Thị Nga (Quận Ba Đình, Hà Nội):
Giáo dục bình đẳng giới phải bắt đầu từ gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội. Vì thế, theo tôi, muốn thực hiện bình đẳng giới thì ngay từ chính mỗi gia đình, giáo dục về vấn đề này cần được quan tâm. Các bậc cha mẹ cần gieo vào tâm trí của con trẻ những hình ảnh đẹp ấm áp, yêu thương của người cha giúp mẹ nấu ăn, lau nhà, chăm sóc cho con… Những hình ảnh người bố đồng cảm, chia sẻ với mẹ sẽ làm nền tảng để các con học tập, noi theo. Tôi cho rằng đây là một cách giáo dục tích cực, nhẹ nhàng nhưng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục về bình đẳng giới. |
Thu Phương