Theo đó, trong các đợt mưa lụt vào cuối năm 2021, tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua phường Nhơn Thành (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đã bị ngập sâu từ 0,5-1 m, gây chia cắt giao thông. Qua kiểm tra, ngành chức năng Bình Định nhận thấy có một cống thoát nước với đường kính 100 cm tại vị trí Km1203+705 không đảm bảo khả năng thoát nước cho khu vực này. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan xem xét và có giải pháp xử lý triệt để, tránh tình trạng ngập úng trong các mùa mưa lụt tiếp theo.
Tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các ngành liên quan tiến hành nạo vét, khơi thông hệ thống thoát nước băng qua Quốc lộ 1 thuộc phường Trần Quang Diệu (thành phố Quy Nhơn) để tránh gây ngập úng khu vực này. Trước đó, qua các đợt mưa lớn trong năm 2021, đoạn tuyến này thường xuyên bị ngập úng gây chia cắt giao thông.
Đối với các đoạn tuyến thuộc Quốc lộ 19, ngành chức năng Bình Định kiểm tra và nhận thấy khẩu độ của một số cống thoát nước băng qua đường không đảm bảo thoát lũ đã gây ngập úng khi có mưa lớn xảy ra. Do vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát và có phương án xử lý triệt để.
Đối với tuyến Quốc lộ 1D đoạn qua phường Ghềnh Ráng (thành phố Quy Nhơn), đợt mưa lớn vào tháng 11/2021 đã gây sạt lở đất đá, cây cối từ mái ta luy dương vùi lấp mặt đường, gây ách tắc giao thông. Mặc dù Cục Quản lý đường bộ III đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả nhưng nơi đây vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Do vậy, Bình Định đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, khảo sát và có giải pháp ổn định mái ta luy tại khu vực này, tránh sạt lở tiếp theo.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo đơn vị Truyền tải điện Bình Định và các ban ngành liên quan khẩn trương khảo sát, lập phương án di dời khẩn cấp cột điện số 16 thuộc tuyến điện 220 kV Quy Nhơn - Tuy Hòa (thuộc phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn) để đảm bảo an toàn lưới điện.
Trước mắt, tỉnh yêu cầu Truyền tải điện Bình Định có giải pháp khắc phục tạm thời sự cố sạt lở dưới chân cột điện số 16 trên tuyến điện này bằng phương án gia cố chằng néo cột điện hiện có; đồng thời, cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, không cho người, phương tiện đến gần khu vực này, kịp thời xử lý khi sạt lở tiếp tục xảy ra.
Trước đó, vào cuối tháng 11/2021, mưa lớn đã gây sạt lở đất đá với chiều cao mặt trượt khoảng 70m từ trên sườn núi Hòn Chà tại phường Bùi Thị Xuân đã gây nguy cơ ngã đổ cột điện số 16 thuộc tuyến điện 220 kV Quy Nhơn - Tuy Hòa. Qua kiểm tra, ngành chức năng Bình Định nhận thấy, tại khu vực này có kết cấu đất xốp, bở rời, không ổn định, dễ gây xói lở.
Ngoài ra, sau các đợt mưa lớn gây sạt lở núi đồi tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai bằng nguồn nhân lực của địa phương.
Tại huyện Tây Sơn, đợt mưa lụt vào cuối tháng 12 đã gây sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm, gồm: Núi Trang Dài (thuộc xã Tây Phú), sườn núi phía Tây tuyến đường Bình Thành - Hà Nhe (thuộc xã Bình Thành) và núi Dồng Da nằm ở phía Đông tuyến đường Quán Á - Vĩnh An (thuộc xã Bình Tường).
Ủy ban nhân dân huyện Tây Sơn đã huy động nhân lực và phương tiện khẩn trương thu dọn đất đá đảm bảo giao thông thông suốt; tiến hành nạo vét kênh mương bị vùi lấp, khơi thông dòng chảy để người dân tưới tiêu, sản xuất vụ Đông Xuân; vận động người dân chuyển qua trồng hoa màu, không để đất hoang đối với những ruộng lúa bồi lấp nặng; xây dựng phương án trồng lại rừng tại khu vực sạt lở.