Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, người dân Bình Dương - nhất là những người xa xứ trở về thăm quê hương, càng dễ cảm nhận sự "thay da, đổi thịt" thần kỳ. Những con đường lớn trải nhựa chạy ngang dọc nối liền các tỉnh, thành, các huyện thị và vùng nông thôn; những khu công nghiệp, những công trình, phố thị mới lấp đầy trên những vùng chiến khu, vùng đất khô cằn của một thời chiến tranh để lại trên địa bàn như Chiến khu Đ, Tam Giác Sắt, Thuận An Hòa, Bàu Bàng, Mỹ Phước, Nhà Đỏ, Bông Trang, Hòa Lợi...
Khu cao ốc Thương mại - Văn phòng dọc Đại lộ Bình Dương. |
Ông Hoàng Quốc Dũng, bà Trịnh Châu Pha (Việt kiều Hoa Kỳ), bà Ong Thị Lan (Việt kiều Canađa), ông Lê Khắc Tâm (Việt kiều Ucraina), ông Cổ Kim Hoa (Việt kiều Đức)... là những người xa quê Bình Dương nhiều năm, thường về thăm quê vào dịp năm mới đều có cảm nhận như thế! Nhiều Việt kiều đã và đang về đầu tư làm ăn tại quê nhà.
Đột phá bằng... công nghiệp
Bình Dương từ một tỉnh thuần nông có xuất phát điểm thấp từ năm 1975, đến nay trở thành một tỉnh có cơ cấu kinh tế công nghiệp (62,2%) - dịch vụ (33,7%), có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm gấp đôi bình quân cả nước, đời sống người dân được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 36,9 triệu đồng, tăng 6,4 lần so với năm 1997 (năm tái lập tỉnh)...
Lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương những năm qua, nhất là khi tái lập tỉnh năm 1997 với nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với thời còn “anh em” với Bình Phước trong tỉnh Sông Bé, Bình Dương đã có nhiều "đột phá", đi đầu trong sự nghiệp đổi mới và cải cách hành chính, xây dựng những khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, hội tụ được chất xám và nguồn lực kinh tế bên trong và bên ngoài.
Công nhân là nguồn lực chính phát triển kinh tế Bình Dương. |
Khởi đầu năm 1995, tỉnh đã xây dựng khu công nghiệp Sóng Thần 1 (huyện Dĩ An). Đến nay Bình Dương đã thành lập 28 KCN với diện tích hơn 9.000 ha mở rộng khắp đến các vùng xa, vùng nông thôn của 5/7 huyện thị, trong đó có 24 KCN đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp với gần 600 ha. Cùng với chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các KCN, tỉnh Bình Dương cũng là địa phương đi tiên phong thực hiện chủ trương "trải thảm đỏ đón nhà đầu tư" trong công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư gắn với cải cách thủ tục hành chính, là một trong những tỉnh dẫn đầu về tính cạnh tranh nhiều năm liền...
Nhờ đó, đến nay Tỉnh đã thu hút 2.049 dự án có vốn nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 16 tỉ 237 triệu USD và 12.451 doanh nghiệp có vốn trong nước đăng ký kinh doanh với 95.757 tỉ đồng và 209 dự án đầu tư với 46.954 tỉ đồng. Nhiều dự án FDI lớn như dự án Khu đô thị sinh thái Ecolakes vốn đầu tư 600 triệu USD; Công ty TNHH kinh doanh đô thị Mapletree Việt Nam (Tập đoàn Mapletree Singapore) có vốn đầu tư 400 triệu USD; Công ty TNHH Kumho Tires vốn đầu tư là 0 triệu USD; Công ty Giấy Graft VINA (Thái Lan) vốn đầu tư 280 triệu USD... Trong 15 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 28%/năm, riêng năm 2011 đạt 123.201 tỉ đồng, gấp 31 lần so năm 1997 và chiếm khoảng 12% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước.
Dịch vụ chất lượng cao - đô thị hiện đại
Cách đây 6 năm, sau nhiều hội nghị bàn bạc, lấy ý kiến các ngành, các cấp, Tỉnh ủy Bình Dương đã có quyết định "táo bạo": Xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương với diện tích 4.196 ha trên vùng đất rẫy “trên trời dưới đậu”, đất trồng cây công nghiệp và đất hoang hóa của huyện Tân Uyên, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một. Nói "táo bạo" là vì phần lớn diện tích đất này liên quan đến lợi ích trên 7.000 hộ dân (có 6.200 hộ sinh sống tại chỗ) và trong cả nước chưa có tỉnh thành nào xây dựng dự án có diện tích lớn như vậy.
Nhưng với mục tiêu Khu liên hợp là bước "đột phá", một "cú huých" để đưa kinh tế-xã hội Bình Dương phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo và cải thiện đời sống người dân, Tỉnh ủy đã đề ra Nghị quyết, kiên trì tập trung chỉ đạo thực hiện với nhiều giải pháp linh hoạt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của dự án, Tỉnh ủy Bình Dương còn chỉ đạo các cấp, các ngành mạnh dạn thực hiện phương châm "cách nào có lợi nhất cho dân nhưng không trái pháp luật thì làm" trong công tác giải tỏa đền bù đất, tài sản của dân và các đơn vị nằm trong quy hoạch. Các giải pháp phù hợp trên đã tạo sự đồng thuận cao của người dân nên đến cuối năm 2008, Khu liên hợp đã hoàn thành cơ bản việc đền bù giải phóng mặt bằng và giải quyết dứt điểm vào đầu năm 2010, kịp thời giao đất thực hiện các dự án khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu đô thị- tái định cư...
Hiện 6 KCN (1.800 ha) trong khu liên hợp đã có chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và thu hút dự án đầu tư, trong đó KCN VSIP 2 đã sớm lắp đầy diện tích 344 ha. Khu dịch vụ cao cấp (612,7 ha) đã thu hút dự án sân Golf (Twin Dove); dự án Trường đua và các dịch vụ tổng hợp chất lượng cao khác. Khu đô thị - tái định cư (1.662 ha) đã xây dựng 8 khu tái định cư cho người dân trong vùng quy hoạch và hiện có khoảng 1.210 hộ gia đình với 4.060 nhân khẩu đang sinh sống ổn định và hơn 5.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp...
Đặc biệt là thành phố mới Bình Dương (1.000 ha) ở trung tâm Khu liên hợp là đô thị hạt nhân, là đô thị động lực - Trung tâm chính trị - hành chính, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển chuỗi đô thị khác trong tỉnh và các thị trấn, thị tứ gắn với các khu, cụm công nghiệp. Thành phố mới đã được chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn nước ngoài và Viện kiến trúc thuộc Trường đại học quốc gia Singapore (NUS) quy hoạch chi tiết theo mô hình hiện đại để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, phục vụ cho 125 ngàn người định cư và hơn 400 ngàn người làm việc. Tỉnh đầu tư hơn 15 ngàn tỉ đồng xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, trong đó có các công trình trọng điểm như Trung tâm chính trị - hành chính tập trung của tỉnh (100 ha), Trường Đại học Quốc tế Miền Đông (26 ha); Trung tâm tài chính - ngân hàng; phố thương mại; biệt thự sinh thái... đã hoàn thành hoặc đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự kiến năm 2014 các cơ quan hành chính tỉnh sẽ chuyển vào làm việc trong thành phố mới... Đầu tháng 3/2012, tỉnh đã khởi công xây dựng dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương có tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD tại trung tâm thành phố mới Bình Dương. Thành phố mới Bình Dương sẽ trở thành quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương (trước năm 2020)...
Có thể nói tuy Khu liên hợp hay thành phố mới Bình Dương chưa hoàn chỉnh, nhưng trong suy nghĩ của cán bộ và nhân dân Bình Dương đã rất hài lòng và tự hào vì nó thể hiện được mô hình phát triển văn minh- hiện đại trong tương lai. Còn đối với người ngoài tỉnh thì đây là điểm đến xem, tham quan khi đến Bình Dương.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ Bình Dương nhiệm kỳ IX (2011-2015) đã đề ra 4 giải pháp mang tính "đột phá" là: Tập trung phát triển các ngành dịch vụ cao cấp, gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, văn minh, hiện đại. Huy động mọi nguồn lực, tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các công trình mang tính động lực; gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới, trung tâm hành chính tập trung của tỉnh, gắn với đầu tư nâng cấp, chỉnh trang thị xã Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh Thuận An, Dĩ An... theo hướng hiện đại, sạch đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Gắn liền với các giải pháp đột phá trên, phải tiếp tục chăm lo và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội. Sớm đưa tỉnh Bình Dương trở thành thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trước thời hạn năm 2020.
Bài và ảnh : Quách Lắm