Cụ thể, văn bản 3458/BGTVT-ATGT do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ ký nêu rõ, thực hiện công điện số 402/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân được thuận lợi trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp như nội dung công điện đã nêu.
“Các đơn vị phải công bố rộng rãi trên các phương tiện đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự an toàn giao thông, kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các cấp chức năng khắc phục khi có sự cố xảy ra”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã ban hành văn bản số 2855/BGTVT-ATGT về tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp 30/4 và 1/5/2019.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các đơn vị căn cứ nhiệm vụ, chức năng của mình, tiếp tục triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ về tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp 30/4 -1/5.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ phải chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, Sở Giao thông Vận tải địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để kịp thời điều chỉnh hợp lý, có biện pháp khắc phục nhanh chóng các sự cố xảy ra trên các tuyến giao thông trọng điểm; Tăng cường bảo đảm an toàn và chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao dịp nghỉ lễ.
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ đạo các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường hoạt động của các phương tiện chở khách, đặc biệt là các tuyến chở khách từ bờ ra đảo, cương quyết đình chỉ các bến đò ngang trái phép, các phương tiện không bảo đảm an toàn. Cục Hàng hải Việt Nam được yêu cầu chỉ đạo các cảng vụ phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức phân tuyến luồng những khu vực có mật độ tàu thuyền ra, vào cao, giám sát chặt chẽ việc đón trả và dẫn tàu của hoa tiêu, xử lý nghiêm các vi phạm về quy định an toàn hàng hải.
Trong khi đó, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu phối hợp với các địa phương có đường sắt đi qua tăng cường kiểm tra, tổ chức cảnh giới tại các khu vực có nhiều điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm tại đường ngang; đồng thời, giám sát chặt chẽ đội ngũ nhân viên phục vụ chạy tàu, nhất là đội ngũ trực ban, lái tàu, gác đường ngang, gác cầu chung.
Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không tăng cường giám sát quy định về an toàn, an ninh hàng không, cung cấp thông tin hướng dẫn người dân đi lại bằng đường hàng không đảm bảo đúng lịch trình, xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay những ngày cao điểm, hạn chế số người đón, tiễn tại sân bay.
Cùng đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam phải tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, không cho phép sử dụng phương tiện không đảm bảo kỹ thuật tham gia giao thông, đặc biệt là xe giường nằm, phương tiện thủy chở khách từ bờ ra đảo, tàu cao tốc…