"Bỏ" phố về quê ăn Tết

Hà Nội những ngày Tết, phố xá bỗng vắng vẻ lạ. Chẳng như ngày thường, cứ ra đường là tắc đường, kẹt xe, đâu đâu cũng thấy người, xe chen chúc, nhất là những ngày cuối năm.


Hôm qua đã mùng 5 Tết mà đường phố vẫn vắng hoe, lác đác hàng quán mở cửa khai trương nhưng vẫn thưa vắng khách. Một trong những lý do của sự vắng vẻ ấy là bởi rất nhiều người đã "bỏ" phố về quê ăn Tết. 

Ông Trần Thái Tôn ở phố Lương Yên (Hà Nội), rời quê hương mình ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải, Thái Bình hơn 40 năm nhưng từ nhiều năm nay, khi tuổi càng cao thì ông lại càng thích về quê ăn Tết. Ông khoe: "Từ trước Tết, hai vợ chồng tôi đã về quê để thắp hương các cụ


Đến mùng 3 Tết, tôi lại về quê thêm vài ngày nữa, đến hết Tết (tức là mùng 6, mùng 7) mới lên". "Ngày trẻ còn vướng bận việc chăm sóc con cái, hơn nữa trước đây giao thông, đường sá không thuận lợi nên ít có điều kiện về quê. Nhưng bây giờ, chỉ vài tiếng ngồi ô tô là đã về tận cửa nhà. Về quê ăn Tết, có họ hàng làng xóm vui lắm, cảm nhận được không khí Tết rõ rệt", ông Tôn giải thích về chuyện mình thích về quê như vậy.

Phố phường Hà Nội trong ba ngày Tết trở nên vắng lặng. Ảnh: Nhật Anh – TTXVN


Tuyên bố với các con: "Tết này bố mẹ về quê ăn Tết" từ trước Tết nhưng chỉ vì thời tiết trước Tết quá rét mà vợ chồng bà Nguyễn Thị Rường ở Thanh Lương (Hà Nội) không thực hiện được niềm mong ước "về quê ăn Tết".


Tuy nhiên, từ ngày 30 Tết ấm dần lên nên đến mùng 3 Tết, ông bà lại quyết định gửi hàng xóm trông nhà để về quê ở Nam Định ăn Tết. Ông bà vui hơn nữa vì cả hai vợ chồng người con trai và hai cháu nội cũng về quê ăn Tết cùng.

Tết Tân Mão năm nay, cán bộ công chức nhà nước được nghỉ tới 8 ngày, học sinh, sinh viên còn được nghỉ Tết dài hơn (ngoài 20 Tết nhiều trường đã cho nghỉ Tết). Với thời gian nghỉ Tết dài ngày như vậy, nên về quê ăn Tết là lựa chọn của rất nhiều gia đình.


Về quê cùng bố mẹ chồng ở xã Nghĩa Hưng, Nam Định ăn Tết, chị Nguyễn Thị Vân ở phố Phương Mai (Hà Nội) kể: Từ mùng 2, mùng 3 Tết mà đường làng quê chồng tôi đã thấy rất nhiều xe ô tô biển 29 - 31 (của Hà Nội), biển xe 16 (của Hải Phòng)... Đoạn đường làng chỉ vài trăm mét có đến cả chục ô tô xếp hàng.

Đó toàn là xe của các con cháu, tranh thủ dịp Tết về thăm quê hương, bố mẹ, họ hàng. Bố mẹ chồng tôi có ba người con trai thì Tết này cả ba đều đưa vợ con về quê ăn Tết, người sớm thì về 27, 28 Tết; người muộn thì mùng 2, mùng 3 đã tề tựu đông đủ. Mọi người trong nhà còn hẹn "mùng 7, mùng 8 tháng Giêng đến hội chợ Viềng lại về tập trung".

Ông Đài, cán bộ xã Nghĩa Hưng (Nam Định) cho hay, ngày thường làng quê vắng vẻ lắm. Trong làng, trong xã chỉ toàn người già, phụ nữ, trẻ em... còn đàn ông trở thành "của hiếm". Bởi nhiều người, nhất là đàn ông trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa. Thanh niên lớn lên cũng đi học ở huyện, ở tỉnh, hay ngoài Hà Nội. "Nhưng cứ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, người làng đi làm ăn xa, người lập nghiệp xa quê, có người ở tận Lâm Đồng, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh... cũng chịu khó vượt cả nghìn km để tranh thủ về đoàn tụ với gia đình, vợ con nên làng trên xóm dưới đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Như gia đình ông Mùi, gia đình bà Nhuệ... ngày thường chỉ có hai ông bà già quanh quẩn trong nhà... nhưng dịp Tết này cả 4 người con cùng các cháu đều về quê ăn Tết nên các cụ vui lắm", ông Đài kể...

Đậm đà phong vị Tết quê

Không chỉ những người đã nhiều tuổi mới hoài niệm và thích về quê ăn Tết mà ngay cả giới trẻ cũng vậy. Em Nguyễn Ngọc Mai, học sinh lớp 12 trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội cũng "thích về quê ăn Tết hơn là ở Hà Nội đi chơi với bạn bè" vì "có về quê mới cảm nhận rõ hơn không khí ngày Tết". "Em rất thích về quê ăn Tết với ông bà ngoại và các bác ở quê.


Chợ quê chẳng sầm uất như ở thành phố nhưng người làng xã ai cũng biết nhau, đi chợ không chỉ để mua sắm mà còn để hỏi thăm xem chuẩn bị Tết đến đâu. Thích nhất là cả nhà cùng quây quần gói bánh chưng rồi cùng thức luộc bánh chưng đêm để kể chuyện "ngày xưa".


Ở thành phố thì đi sắm Tết cũng chẳng khác ngày thường là mấy, chỉ mất vài tiếng đi siêu thị. Cũng chẳng khác mấy nhà còn gói bánh chưng mà quen với việc chạy ù ra phố, mua một cặp bánh chưng về bày biện trên ban thờ", Mai nhận xét.

Cũng theo Mai, Tết quê dù chẳng sung túc như ở thành phố nhưng lại ấm áp tình người. Mai kể, họ hàng ở quê nhiều người còn nghèo lắm, nhưng mọi người sống tình cảm. Đến nhà ai chúc Tết cũng được giữ lại ăn cơm bằng được.


Mừng tuổi các bà, các bác mười nghìn, mọi người còn ngại cầm nhưng khi Mai trở lại thành phố, mọi người còn gửi đủ thứ quà quê, giá trị của những món quà này không nhiều nhưng Mai rất cảm động.

Tết quê cũng cuốn hút lòng người vì vẫn giữ được những nét phong tục tập quán ngày Tết rất riêng và độc đáo. Mai khoe quê nội mình ở làng Đào Khê (xã Nghĩa Hưng, Nam Định) cứ mùng 4 Tết lại có tục nhập làng cho những bé trai được tròn 1 tuổi.


Đứa trẻ dù sinh ra ở đâu nhưng hễ bố là người gốc làng nếu muốn đều có thể làm lễ nhập làng. Cha mẹ sắm sửa lễ gồm xôi, gà dâng lên Thành Hoàng làng và mời các cụ cao niên trong làng. Mỗi gia đình còn nấu một nồi cháo to mời cả làng cùng ăn để chia vui.


Mỗi Tết, thôn Đào Khê có hàng chục bé trai được làm lễ nhập làng theo tục lệ cha ông để lại. Mùng 7 - 8 Tết thì làng lại làm lễ thượng thọ cho các cụ trên 80 tuổi. Mỗi năm cũng có hàng chục cụ được làm lễ, cụ nào cũng được rất đông con cháu về mừng thọ nên làng xóm ngày Tết càng thêm đông vui và nhiều ý nghĩa!

Thu Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN